Tin tức

Chủ động tự rà soát năng lực cạnh tranh

Khủng hoảng kinh tế cũng là cơ hội để các doanh nghiệp rà soát lại mình, tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập sâu hơn.

Tại Hội thảo “Khủng hoảng kinh tế – cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp” diễn ra hôm qua (9/10) tại TP.HCM, nhiều ý kiến nhận định, việc sắp xếp và phân bổ lại các nguồn lực của doanh nghiệp (DN); điều chỉnh quy mô, chiến lược kinh doanh, dòng sản phẩm cho phù hợp với sự thay đổi đó là những cách mà doanh nghiệp có thể áp dụng để vượt qua khủng hoảng, hội nhập sâu hơn với thế giới.   

 

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận xét, cuộc khủng hoảng suy thoái toàn cầu có thể kéo dài, DN muốn thoát ra khỏi khủng hoảng thì phải chủ động. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ là “bà đỡ” chứ không thể làm thay DN được. Vì thế, trước hết, DN phải tự đánh giá lại tình hình sản xuất – kinh doanh của mình và tự điều chỉnh lại.

 

Thứ hai, DN phải xem lại toàn bộ hệ thống quản lý của mình đã đạt tiêu chuẩn chưa, đã đáp ứng được yêu cầu biến động kinh tế chưa?

 

Thứ ba, trong khủng hoảng thì phần lớn DN đều rơi vào tình trạng thiếu vốn. DN cần tìm thêm nguồn vốn ở bên ngoài.

 

Cuối cùng, phải đào tạo lại đội ngũ cán bộ của mình nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. 

 

Nhận định về môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tri thức DN quốc tế cho rằng, DN cần thay đổi thói quen “vay vốn đầu tư là vay nợ lành mạnh”. Bởi thực tiễn hơn 2 năm qua cho thấy, mặc dù có chiến lược kinh doanh đúng đắn, nhưng phần lớn DN đang gặp rất nhiều khó khăn, đa phần do sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng quá lớn. Hiện tại, với lãi suất ngân hàng rất cao (trên dưới 15%/năm); kể cả cho dù có vay được dài hạn, DN cũng không có khả năng trả lãi suất và dẫn đến rủi ro, bất ổn triền miên.

 

Ở góc độ DN, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức cũng cho rằng, chính sách tiền tệ vừa được nới lỏng một chút, nay lạm phát có dấu hiệu quay trở lại và nhiều khả năng để kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ sẽ lại tiếp tục thắt chặt. Vấn đề đặt ra là Ngân hàng Nhà nước cần xem lại chính sách thắt chặt tín dụng, thắt chặt thế nào cho phù hợp để không có thêm những DN chết oan.

 

Theo các chuyên gia, để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng, đã đến lúc cần thay đổi tư duy nhà lãnh đạo DN với “thói quen” vay vốn đầu tư. Nếu như trước đây, “kinh doanh mà không vay ngân hàng là không biết kinh doanh”, thì nay DN cần xem vay của ngân hàng chỉ là khoản phụ, thay vì phát triển sản xuất – kinh doanh trên cơ sở phát hành cổ phần, cổ phiếu, phát hành trái phiếu DN…, từng bước mở rộng phát triển sản xuất – kinh doanh từ thấp đến cao tùy theo quy mô vốn DN huy động được, hoặc là kêu gọi hợp tác kinh doanh. Mặt khác, từ việc khó khăn trong huy động vốn, DN cần có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý. Tùy theo quy mô vốn của DN để đưa ra chương trình sản xuất – kinh doanh hợp lý. 

 

Ngoài ra, để có thể tiết kiệm trong sử dụng vốn đầu tư, DN cần tập trung kinh doanh ngành chính của mình (ngành cốt lõi), tránh đầu tư dàn trải, bởi quy mô vốn DN đã yếu, lại đầu tư dàn trải, phân tán nguồn tiền, phân tán năng lực quản trị kinh doanh, trong đó phân tán không đủ cán bộ có trình độ chuyên ngành cao dẫn đến rủi ro bất ổn thường xuyên cho DN…

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status