Nếu xác định rõ mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là giúp cải thiện năng lực công nghệ và năng suất lao động cho nền kinh tế, thì mọi chính sách thu hút FDI đều phải hướng tới mục đích ưu tiên đó.
Trong những năm đầu đổi mới, FDI là một nguồn vốn bổ sung rất quan trọng cho nền của Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI hiện tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động, đóng góp vào ngân sách trong năm 2010 hơn 3,1 tỷ USD (không kể dầu thô).
Tuy nhiên, ở một số khía cạnh, FDI chưa mang lại kết quả như mong đợi. Theo nghiên cứu về mối quan hệ giữa GDP, FDI và xuất khẩu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện vừa công bố, FDI và xuất khẩu có tác động thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng FDI không phải là nhân tố thúc đẩy xuất khẩu và ngược lại, xuất khẩu cũng chưa trở thành nhân tố thu hút FDI như kỳ vọng.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê 2010, trên 50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam báo lỗ, nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục, nhưng vẫn không ngừng mở rộng sản xuất. Cũng theo kết quả điều tra này, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các ngành thâm dụng lao động. Suất đầu tư trung bình tạo một việc làm tại các doanh nghiệp này chỉ khoảng 31.000 USD, trong khi theo UNCTAD (2009), suất đầu tư trung bình cho một việc làm tại các doanh nghiệp FDI trên thế giới là 14.300 USD.
Thực tế cũng cho thấy, giá của tài sản cố định (máy móc thiết bị, nhà xưởng, đất…) tại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được đánh giá quá cao. Điều này rất có lợi cho các đối tác nước ngoài trong các liên doanh khi nâng cao được tỷ lệ góp vốn. Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì việc kê khai cao chi phí vốn cũng là cách để chuyển giá: tăng chi phí, giảm thu nhập và do đó giảm mức thuế thu nhập phải nộp. Hơn nữa, hoạt động thua lỗ phần lớn xảy ra tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, dễ dàng dịch chuyển đầu tư sang nước khác khi các ưu đãi không còn. Những doanh nghiệp này cũng có nhiều khả năng thực hiện các thủ thuật chuyển giá để tránh thuế thu nhập.
Thêm vào đó, những chính sách ưu đãi đầu tư vào các ngành và vùng trọng điểm không phát huy được hiệu quả cần thiết. Các ngành thu hút đầu tư chính vẫn là những ngành sử dụng nhiều lao động và tài nguyên. Tỷ trọng các dự án đầu tư nước ngoài trong những ngành mà Việt Nam muốn thu hút và dành nhiều ưu đãi, như các ngành công nghệ cao, nông – lâm – ngư nghiệp còn thấp.
Để khắc phục những điểm yếu trên, các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài cần có sự chuyển hướng về chất.
Thứ nhất, cần xác định rõ mục tiêu cho chính sách thu hút FDI là giúp cải thiện năng lực công nghệ và năng suất lao động cho nền kinh tế. Mọi chính sách thu hút FDI đều nhằm mục đích ưu tiên này.
Thứ hai, sửa đổi các điều khoản về ưu đãi đầu tư trong các luật liên quan theo hướng giữ mức ưu đãi bình quân so với các nước trong khu vực để làm cơ sở tham chiếu cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ ba, thay đổi chính sách thu hút FDI từ mọi nguồn sang chính sách thu hút FDI có lựa chọn; chủ động tiếp xúc, đàm phán và thuyết phục các nhà đầu tư mục tiêu. Cho đến nay, các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chủ yếu do các công ty con thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của các công ty đa quốc gia và theo đánh giá của UNCTAD năm 2008, chỉ có 4 công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam từ công ty mẹ. Điều này hạn chế cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ nguồn, đồng thời làm tăng nguy cơ chuyển giá giữa công ty con tại Việt Nam và công ty mẹ đặt tại nước ngoài. Do đó, bên cạnh hệ thống ưu đãi chuẩn, cần có hệ thống ưu đãi linh hoạt cho các nhà đầu tư là công ty đa quốc gia.
Thứ tư, về thể chế, cần tăng cường năng lực của cơ quan khuyến khích đầu tư quốc gia, hàng năm xác định những nhà đầu tư nào cần ưu tiên nhất để lôi kéo đầu tư vào Việt Nam.
Thứ năm, xây dựng hệ thống ưu đãi đầu tư lũy tiến theo mức độ những mục tiêu mà chính sách đề ra được nhà đầu tư đáp ứng. Đồng thời, cần tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm toán các doanh nghiệp FDI để ngăn ngừa chuyển giá. Cần phải chỉnh sửa, bổ sung Luật Đầu tư 2005 và đưa vào luật điều khoản chống chuyển gián.
(*) Tiến sĩ kinh tế, nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương