Đề án Xu hướng đầu tư của các đối tác chiến lược đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ là lời giải cho bài toán tới đây, Việt Nam nên tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ những quốc gia nào.
Có một câu trả lời khá thống nhất của lãnh đạo các địa phương khi được hỏi tỉnh đang và sẽ nhắm tới thu hút FDI của các đối tác nào, đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Phạm Thuyên, Trưởng ban Quản lý KCN Hải Phòng cho biết như vậy.
“Mỹ cũng là đối tác được chúng tôi hướng tới”, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Dễ hiểu vì sao các địa phương có những lựa chọn như vậy. Bởi Nhật Bản và Hàn Quốc đang là những nhà đầu tư hàng đầu và rất uy tín ở Việt Nam, không chỉ vì hai đối tác này có những dự án lớn, mà còn vì họ thường triển khai dự án rất nhanh chóng, chắc chắn và hiệu quả. Itochu, Honda, Toyota, Mitsubishi, Samsung, LG, Kumho Asiana… là những cái tên mà chỉ cần nhắc tới, cũng đủ thấy sự tín nhiệm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Nhật Bản đứng đầu, còn Hàn Quốc đứng thứ ba trong danh sách 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tương ứng 1.859 dự án, 29 tỷ USD và 3.206 dự án, 24,86 tỷ USD.
Và Mỹ cũng là một sự lựa chọn khôn ngoan, bởi nếu thu hút FDI được từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này, Việt Nam sẽ được rất nhiều: vốn, công nghệ, trình độ quản lý và thị trường.
Vì nhiều lý do, mà phần lớn xuất phát từ môi trường đầu tư của Việt Nam, như chính sách chưa thực sự nhất quán, thiếu minh bạch, trình độ nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…, nên FDI từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian qua chưa đạt kỳ vọng, với lũy kế tính đến ngày 20/2/2013, còn 642 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 10,5 tỷ USD, xếp thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ luôn là một trong những đối tác hàng đầu mà Việt Nam muốn và cần thu hút đầu tư.
“Ngoài 3 đối tác trên, tôi đề xuất thêm 5 đối tác khác cần tập trung thu hút đầu tư. Ở châu Á, thêm Đài Loan, Singapore. Còn ở châu Âu, nên có Anh, Đức, Pháp”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI phát biểu.
Như vậy, với việc thêm Đài Loan và Singapore, đã có đủ 4 tên trong top 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam 27 tỷ USD, còn Singapore đầu tư 24,85 tỷ USD.
Trong vài năm qua gần đây, lượng vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có suy giảm, do những khó khăn của kinh tế Đài Loan, do cả môi trường đầu tư của Việt Nam, song theo ông Bùi Trọng Định, Tham tán Đầu tư tại Đài Loan, cơ hội thu hút FDI của đối tác này là không nhỏ.
“Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Đài Loan tới tháng 5 này là tròn 20 năm, nên các nhà đầu tư Đài Loan cũng đã muốn gia hạn để tạo thuận lợi cho đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta cũng nên xem xét lại và bổ sung các quy định mới”, ông Định nói.
“Cũng có người đề nghị ở châu Á nên thêm Ấn Độ, nhưng tôi cho rằng, 4 đối tác chiến lược như vậy là đủ. Hay cũng có ý kiến là không nên chọn Pháp, nhưng tôi cho rằng, nói đến châu Âu, không thể không nói đến Pháp”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, với trên 250 triệu USD, đứng thứ 30 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ, như Tata, Relience, Essar, ONGC, Infosys, NIIT, Wipro…, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thép, khai thác dầu khí, hoá dầu, công nghệ thông tin, viễn thông… đã tới Việt Nam bày tỏ ý định đầu tư. Trong số này, có dự án thép của Tata, với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, vẫn đang trong quá trình thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong khi đó, đầu tư của Đức, Anh, Pháp nói riêng, của các quốc gia châu Âu nói chung vào Việt Nam còn hạn chế. Pháp hiện đứng thứ 15, Anh đứng thứ 16, còn Đức ở thứ hạng 21 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.