Tin tức

Chế biến thực phẩm – lĩnh vực tiềm năng

Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt – Đức mới đây, ông Tino Zeiske, Phó chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) cho rằng, chế biến thực phẩm là lĩnh vực tiềm năng tại Việt Nam và được nhiều nhà đầu tư Đức đặc biệt quan tâm.

Hiện tại, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp còn khá thấp. Điều này thể hiện qua sự tham gia cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới. Ngay Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) là một sản phẩm có thương hiệu trong nước, nhưng cũng chỉ xuất khẩu được 2%.

 

Ngay tại thị trường trong nước, để có nguồn thực phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam, Tập đoàn Metro Cash & Carry phải nhập khẩu sản phẩm từ một số quốc gia như Tây Ban Nha, Ba Lan… vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ. Với chuỗi thức ăn nhanh McDonal’s đang chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, để đảm bảo sản phẩm cung cấp tại Việt Nam tương đồng về chất lượng, sự an toàn so với các thị trường khác trên thế giới, McDonal’s cũng dự kiến phải nhập khẩu thực phẩm từ các nước có công nghệ chế biến cao.

 

Lý do khiến Metro Cash & Carry và McDonal’s có chung động thái nêu trên khi hoạt động tại thị trường Việt Nam là các doanh nghiệp nội chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên liệu cũng như sản phẩm thực phẩm với chất lượng cao và an toàn tuyệt đối với người sử dụng.

 

Bà Đoàn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nước giải khát Hàng không (Sasco) cũng cho rằng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm còn thấp, đặc biệt là về công nghệ chế biến. Điểm này xuất phát từ tình trạng đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lao động chưa qua đào tạo. 

 

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam rất cần sự trợ giúp về công nghệ chế biến từ phía nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của Công ty Vissan, từ một đơn vị giết mổ thuần túy, đến doanh nghiệp có hơn 300 sản phẩm chế biến từ thịt cung cấp cho thị trường là do Công ty đã đổi mới công nghệ chế biến, tạo được năng suất cao hơn.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Vissan, công nghệ chế biến của Công ty được nhà thầu Tây Đức thiết kế và cung cấp thiết bị từ năm 1974. Trong quá trình đổi mới công nghệ, Công ty cũng được các nhà thầu của Đức cung cấp thiết bị. Hiện Vissan có kế hoạch đầu tư cụm công nghiệp thực phẩm hoàn chỉnh, với công nghệ hiện đại cũng được cung cấp từ nhà thầu của Đức. “Chi phí phải bỏ ra để đầu tư công nghệ chế biến rất cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn”, ông An chia sẻ.

Ngoài vốn, đổi mới công nghệ cũng phải đi đôi với sự tiếp cận của đội ngũ vận hành. “Không thể nhập khẩu công nghệ cùng với con người vận hành”, ông Andreas Campioni, Giám đốc Marketing quốc tế Công ty Thực phẩn Đức Việt chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, cần có sự kết nối giữa nông dân và nhà chế biến. Ở Việt Nam, một khâu quan trọng, nhưng chưa được quan tâm thích đáng là theo dõi quá trình từ sản xuất thực phẩm nông nghiệp đến chế biến. Trong khi đó, với sản phẩm của một số nước, điều này được thể hiện rõ trên bao bì sản phẩm, khiến người tiêu dùng thấy an tâm.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status