Sau nhiều chờ đợi, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã ký Quyết định số 2310/QĐ-BGTVT công bố danh mục 15 dự án đầu tư trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Tĩnh – Cần Thơ theo hình thức hợp đồng xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT).
Ngoại trừ 3 dự án tăng cường mặt đường giữ nguyên quy mô, các dự án còn lại sẽ tiến hành mở rộng Quốc lộ 1 lên 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô. Với tổng mức đầu tư dự kiến cho mỗi dự án có quy mô dưới 30 km dao động từ 930 tỷ đồng đến 2.100 tỷ đồng, toàn bộ chi phí đầu tư 15 dự án khoảng 23.000 tỷ đồng.
Hiện đã có ít nhất 1/3 số dự án nói trên đã từng nhận được đề xuất đầu tư của nhiều tổng công ty, tập đoàn xây dựng trong nước. Trong đó, hai dự án từng nằm trong danh sách các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1: Dự án Xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả và Dự án Xây dựng hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng đã tìm được nhà đầu tư (Công ty cổ phần Đèo Cả và Công ty TNHH Xuân Cầu).
Theo ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT, Ban Quản lý các dự án đối tác công – tư (Ban PPP) được chỉ định là đầu mối để các nhà đầu tư liên hệ, thay vì Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ Kế hoạch – Đầu tư như thông lệ.
Được biết, nếu so với Đề án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Tĩnh – Cần Thơ được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5/2012, thì quan điểm đầu tư, quy mô đầu tư mở rộng tuyến quốc lộ xuyên Việt này đã có những thay đổi rất đáng kể.
Theo phương án cũ, việc mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Tĩnh – Cần Thơ được chia thành 18 dự án, đầu tư theo hình thức BOT, với 60 – 80 km/dự án; nếu nâng cấp, mở rộng lên 4 làn xe, thì mỗi dự án mở rộng Quốc lộ 1 cần từ 4.000 đến 6.000 tỷ đồng.
Một lãnh đạo của Ban PPP cho biết, lý do của thay đổi này là do Bộ GTVT quyết định sẽ không tiến hành mở rộng các đoạn Quốc lộ 1 có tuyến đường bộ cao tốc song hành. Theo đó, trên nền tiến độ đầu tư tuyến đường bộ cao tốc, đoạn Quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ sẽ chỉ tăng cường kết cấu mặt đường, mà không xem xét mở rộng đối với những đoạn đã triển khai tuyến cao tốc song hành (282 km).
Quan điểm này đã nhận được sự đồng thuận cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp tổ chức vào cuối tháng 8/2012, nhằm xác định phương án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc Bắc – Nam, nhánh phía Đông hồi cuối tháng 8/2012.
Theo lãnh đạo Ban PPP, các nhà đầu tư vẫn phải chờ thêm một khoảng thời gian để có thêm thông tin sâu hơn, chính xác hơn, do các dự án vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo đầu tư. Tuy nhiên, với việc đã được “co lại” đáng kể cả về quy mô và chi phí đầu tư, các dự án BOT nằm trên trục đường có mật độ phương tiện lớn nhất nước này sẽ trở nên “vừa miếng” hơn đối các các nhà đầu tư trong nước.
Quan trọng hơn, bài toán tài chính của các dự án sẽ có tính khả thi cao hơn, bởi với quy mô một dự án có cự ly khoảng 70 km, thì ngay cả khi áp dụng mức phí bằng 3/4 mức phí cơ bản đang thu tại đường cao tốc, khả năng thu phí hoàn vốn cho các dự án chỉ đáp ứng 25% – 40%”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá.