Tin tức

Cầu Vàm Cống – Kết nối, thúc đẩy khu vực trung tâm đồng bằng Mekong phát triển

Cầu Vàm Cống vừa chính thức khởi công xây dựng, mở đầu cho triển khai xây dựng dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong-một dự án giao thông có quy mô lớn, thúc đẩy khu vực ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới… 

Sau một thời gian Bộ Giao thông Vận tải và các bộ có liên quan, các địa phương tích cực chuẩn bị điều kiện đầu tư xây dựng (xây dựng quy hoạch, lập dự án tiền khả thi và khả thi, thu xếp nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, giải phóng mặt bằng…), dự án xây dựng cầu Vàm Cống chính thức khởi công vào ngày 10-9-2013. Đây là một trong 5 dự án thành phần thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong có tổng chiều dài 78 km (đi qua địa phận các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ). Bao gồm: cầu Cao Lãnh, tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến tránh TP Long Xuyên và tuyến Mỹ An-Cao Lãnh.

Cùng với cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống là một trong 2 cây cầu lớn, hiện đại nhất Việt Nam tính đến nay.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống hiện hữu 2,5km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km về phía thượng lưu. Dự án có tổng chiều dài 2,97km gồm: phần cầu chính (nhịp dây văng), phần cầu dẫn phía Đồng Tháp và cầu dẫn phía Cần Thơ. Cầu có mặt cắt ngang (cầu chính và cầu dẫn) 24,5m, có 4 làn xe cơ giới và xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án 271,58 triệu USD (tương đương 5.687 tỉ đồng) sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến, thời gian thi công hoàn thành dự án là 48 tháng. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cầu Vàm Cống sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL, đảm bảo giao thông thông suốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực này… Về quy mô, cầu Vàm Cống được xem là lớn tương đương cầu Cần Thơ hiện nay (Cầu Cần Thơ tổng chiều dài 2,75 km, mặt cắt ngang 23,5 m).

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong được các nhà tài trợ quốc tế và các cơ quan của Chính phủ Việt Nam thống nhất đầu tư. Trong đó, cầu Vàm Cống thuộc hợp phần 3 của dự án, được đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Đây là dự án hết sức quan trọng, góp phần thực hiện theo Nghị quyết số 38 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh chạy dọc theo chiều dài đất nước từ điểm đầu Pắc Bó, Cao Bằng đến điểm cuối là Mũi Cà Mau. Tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền 3 miền Bắc, Trung và Nam, rút ngắn cự ly giao thương hàng hóa giữa các vùng miền của cả nước. Riêng Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong góp phần rút ngắn cự ly khu vực miền Đông Nam Bộ với ĐBSCL. Bộ Giao thông Vận tải đã đưa Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong vào quy hoạch phát triển giao thông vùng ĐBSCL đến năm 2020… Theo ông Lê Minh Hoan, dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, trong đó có cầu Vàm Cống sẽ tạo điều kiện cho Đồng Tháp có cơ hội vươn lên cùng với các địa phương khác trong vùng và cả nước. Dự án này cũng sẽ là điểm nhấn, tạo nên bước ngoặt cho vùng ĐBSCL đang chuyển mình, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng cùng phát triển…

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công dự án xây dựng cầu Vàm Cống, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, là niềm ước mơ ngàn đời của đồng bào ĐBSCL, đặc biệt là đồng bào sinh sống ở các địa phương 2 bờ sông Hậu là Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang. Cầu Vàm Cống có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy khu vực ĐBSCL phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa bức xúc của nhân dân trong vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh của cả khu vực. Cùng với cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống là cầu lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam đến hôm nay do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho vay ưu đãi, đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu chủ yếu là của Hàn Quốc. Dự án cầu lớn và hiện đại, kỹ thuật cao nên đòi hỏi phải đúng tiến độ, phải an toàn tuyệt đối…
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status