Tin tức

Cạnh tranh trong thu hút FDI: Lợi thế từ môi trường đầu tư

Ngày mai (29/5), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sẽ được tổ chức. Sẽ tiếp tục có những mổ xẻ về môi trường đầu tư, qua đó, giúp Việt Nam tìm được câu trả lời thích hợp cho việc phải làm sao để thu hút nhiều hơn nữa, và quan trọng hơn, là nâng chất dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Điều này là cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam đang sụt giảm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 5 tháng đầu năm 2012, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả đăng ký mới (4,12 tỷ USD) và tăng thêm (1,2 tỷ USD), là 5,32 tỷ USD, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm trước. Nên nhớ, cùng kỳ năm ngoái, vốn FDI vào Việt Nam cũng đã giảm 49% so với năm 2010.

 

Như vậy, đã 3 năm liên tiếp, vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, sự giảm sút vốn FDI vào Việt Nam chỉ thuộc về vốn đăng ký, còn vốn giải ngân vẫn duy trì khoảng 11 tỷ USD/năm.

 

“Tôi cho rằng, chúng ta không phải quá lo ngại khi nhìn thấy vốn đăng ký FDI giảm, vì cái quan trọng nhất là các dự án FDI ở Việt Nam vẫn đang triển khai tốt. Hơn nữa, trong sự sụt giảm này, cũng còn có lý do Việt Nam đang thay đổi tư duy và chính sách trong thu hút vốn FDI, không tiếp nhận những dự án FDI đăng ký ‘ảo’ với số vốn hàng tỷ USD”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

 

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, vốn FDI vào Việt Nam đã chững lại đáng kể. Những lý giải về tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến dòng vốn FDI trên thế giới sụt giảm, không thực sự thuyết phục, khi báo cáo mới đây của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho biết, dòng vốn FDI toàn cầu đạt mức 1.400 – 1.600 tỷ USD, là mức trước khủng hoảng, vào năm 2011. Thậm chí, UNCTAD còn dự báo, FDI toàn cầu sẽ đạt mức 1.700 tỷ USD vào năm 2012 và mức 1.900 tỷ USD vào năm 2013, tương đương với mức cao nhất đã đạt được trong năm 2007.

 

Những số liệu trên đây cho thấy, thực tế, vốn FDI toàn cầu đã hồi phục trở lại. Nhưng tại sao vốn FDI vào Việt Nam lại chậm lại? Câu hỏi đặt ra là, liệu có phải Việt Nam đã và đang mất dần lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI so với các nước trong khu vực?

 

Số liệu thống kê cho thấy, FDI vào Indonesia đã tăng tới 30%, vọt lên mức kỷ lục 5,6 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay, bất chấp những chính sách bất lợi cho đầu tư và thương mại gần đây. Và Myanmar cũng đang trở thành một thị trường đầu tư đầy tiềm năng, thậm chí còn được coi là điểm đến kế tiếp cho các cơ hội phát triển trong khu vực. Malaysia, Thái Lan cũng vẫn tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Nhiều thông tin gần đây cho thấy, các lợi thế về giá nhân công rẻ, giá thuê đất rẻ đã không còn được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận nữa. Trong khi đó, các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước… tiếp tục là những trở ngại. Đặc biệt, những bất ổn trong kinh tế vĩ mô thời gian gần đây cũng đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.

 

Thừa nhận điều này, khi trao đổi với Báo Đầu tư, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng, trong cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam đã tiến chậm hơn so với Indonesia, Myanmar… “Trước đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn được xếp vào hạng cao của thế giới, nhưng giờ đây, đã xuống dưới mức trung bình của châu Á, thậm chí vào năm 2011, còn xuống dưới mức trung bình của các nước ASEAN. Điều này cũng khiến cho khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam bị sụt giảm”, ông Giá nói.

 

Trong khi đó, kết quả khảo sát vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho thấy, mặc dù vẫn có 34% DN muốn duy trì mức độ đầu tư và 38% đang tìm kiếm để tăng đầu tư tại Việt Nam, song các DN châu Âu cũng đã ngày càng thận trọng hơn trong đầu tư. 28% DN được hỏi cho biết, đang tìm cách giảm đầu tư tổng thể tại Việt Nam, tăng so với mức 24% của quý trước và chỉ 8% tại thời điểm đầu năm 2011. Kết quả này, được EuroCham cho rằng đã thể hiện sự tiếp tục dịch chuyển đi xuống về lòng tin vào đầu tư tại Việt Nam.

 

“Sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát cao, tham nhũng và các thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Các nhà đầu tư châu Âu đang tăng cường tìm kiếm các điểm đến đầu tư khác trong ASEAN. Do đó, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực”, ông Paul Jewell, Giám đốc Điều hành EuroCham phát biểu.

 

Nguồn vốn FDI toàn cầu, theo ông Phan Hữu Thắng, Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), vẫn đủ cho Việt Nam thu hút FDI vượt mức hiện nay. Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh rằng, phải với điều kiện Việt Nam “có được các giải pháp xúc tiến đầu tư thích hợp và môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao”.

 

Chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã thừa nhận, ở thời điểm này, đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam là thấp điểm hơn so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Và vì thế, nếu Việt Nam không vươn lên để tăng điểm cho môi trường đầu tư của mình thì sẽ tiếp tục lạc hậu.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status