Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam, tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết chia sẻ lợi ích và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá cao những đóng góp tích cực của khu vực FDI đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội Việt Nam, như đóng góp 19-20% GDP, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 3,7 tỷ USD cho ngân sách nhà nước chỉ trong năm 2012, giải quyết việc làm cho khoảng 2 triệu lao động…, Thủ tướng khẳng định, FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế đất nước, được khuyến khích phát triển lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, cũng giống như báo cáo đánh giá về Tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI 25 năm qua, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn những yếu kém hạn chế cần phải ra sức khắc phục, như tỷ trọng FDI trong các lĩnh vực vẫn còn mất cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư chậm; hiệu quả tổng hợp FDI chưa cao; đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới chiếm tỷ lệ thấp; đầu tư vào công nghiệp phụ trợ còn ít; tác động phát triển lan tỏa của FDI chưa cao.
“Tất cả những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để sớm khắc phục trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo, để thực hiện tốt mục tiêu tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, phải tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút FDI…
Đồng thời, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần rà soát, bổ sung để có chính sách ưu đãi cao, hấp dẫn với những dự án hạ tầng kinh tế – xã hội có quy mô lớn, lan tỏa, đẩy mạnh thu hút FDI vào các dự án đối tác công – tư (PPP), bố trí ngân sách nhà nước làm vốn đối ứng cho các dự án này…
Các vấn đề liên quan đến bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao, trước mắt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao có kim ngạch xuất khẩu lớn và sử dụng nhiều lao động… cũng đã được Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải rà soát, bổ sung chính sách ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ, ưu đãi cao hơn cho các dự án nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu vào Việt Nam, cũng như rà soát, bổ sung những ưu đãi để thu hút đầu tư vào thị trường tài chính…
Riêng đối với vấn đề phân cấp, Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới, phân cấp mạnh nhưng phải đi liền với quản lý tập trung.
“Phải làm sao vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, vừa đảm bảo quản lý tập trung của Trung ương, vừa khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao, vừa yêu cầu nhà đầu tư chấp hành nghiêm luật pháp Việt Nam và thực hiện các cam kết của nhà đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, để thực hiện thành công các mục tiêu về thu hút và sử dụng FDI thời gian tới, cần đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao.
“Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường nội địa để tạo ưu thế về quy mô thị trường, tập trung khắc phục các nút thắt về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, trong đó có công nghiệp hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho biết, các giải pháp cụ thể đã được đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới.