Một quy chế mới về xúc tiến đầu tư đang được xây dựng, nhằm đổi mới toàn diện công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.
Đà Nẵng, Bình Định, rồi Vĩnh Phúc, Quảng Nam… từ đầu năm tới nay đã lần lượt “xuất quân” sang Nhật Bản để xúc tiến đầu tư. Nhưng theo ông Lê Hữu Quang Huy, Tham tán Đầu tư tại Nhật Bản, đây chỉ là “số ít” trong số 25 địa phương “đã từng” tới Nhật Bản xúc tiến đầu tư trong 9 tháng đầu năm.
Không nói tới chuyện quá tải đối với một cá nhân làm “ăng ten” thu hút đầu tư ở nước ngoài, ông Huy chỉ bày tỏ sự băn khoăn trước việc có quá nhiều địa phương trong nước tới xúc tiến đầu tư ở một nước, mà có thể không mang lại kết quả.
Một câu chuyện tương tự đã được bà Nguyễn Minh Hiền, Tham tán Đầu tư tại Hàn Quốc kể. Bà Hiền cho biết, chỉ trong tháng 10, đã có tới 5 địa phương, bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng sang Hàn Quốc xúc tiến đầu tư. “Có tới 3 hội thảo xúc tiến đầu tư ở cùng một địa điểm, trong cùng một tháng. Như vậy là quá tải và không hiệu quả”, bà Hiền cho biết.
Thậm chí, thông tin từ các vị đại diện đầu tư ở nước ngoài cho thấy, vì tổ chức quá nhiều, với nội dung không có nhiều khác biệt, nên có hội thảo, khách mời còn ít hơn “khách ở Việt Nam sang”. Hiệu quả của những cuộc xúc tiến đầu tư như vậy sẽ rất thấp.
Không thể để kéo dài tình trạng này. Đó là điều đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh khẳng định. Tới đây, theo Bộ trưởng, khi quy chế mới về xúc tiến đầu tư được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Bộ KH&ĐT sẽ là đầu mối duy nhất về xúc tiến đầu tư.
Thực tế, theo Quy chế Xây dựng và Thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2012, Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng nội dung định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư trong từng thời kỳ, tổng hợp thành chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư từng năm và nhiều năm; rà soát để bảo đảm tránh chồng chéo trong việc tổ chức thực hiện các đề án thuộc Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia với các hoạt động thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương.
Nhưng tránh chồng chéo là một chuyện, theo ông Giang Thanh Tùng, Đại diện Đầu tư ở San Francisco (Mỹ), nên tập trung xúc tiến đầu tư theo từng lĩnh vực, từng dự án trọng điểm và tăng cường tiếp xúc riêng với các nhà đầu tư có tiềm năng. “Chúng ta muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nào, dự án cụ thể nào, thì có thể gửi thông tin trước vài tháng, để các đại diện xúc tiến đầu tư ở nước ngoài có thể tìm kiếm và vận động trực tiếp nhà đầu tư. Như thế sẽ hiệu quả hơn”, ông Tùng đề xuất và cho rằng, trong thời buổi công nghệ thông tin, các địa phương cũng nên tận dụng Internet để tuyên truyền, quảng bá thông tin.
Thông tin minh bạch, rõ ràng là điều được bà Nguyễn Hiền Lê, Tham tán Đầu tư tại Pháp nhấn mạnh trong hoạt động xúc tiến đầu tư. “Với các nhà đầu tư châu Âu, phải xúc tiến đầu tư bằng các dự án cụ thể và thông tin cụ thể. Vừa rồi, chúng tôi đi xúc tiến đầu tư cho Dự án Đường Trung Lương – Mỹ Tho, nhà đầu tư quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể, như dự án đã có mặt bằng chưa, cần bao nhiêu tiền để đầu tư, vấn đề bảo lãnh thế nào… Tuy nhiên, khi hỏi thông tin từ các bộ, thì mỗi bộ lại có một câu trả lời khác nhau, khiến nhà đầu tư lúng túng”, bà Lê cho biết.
Liên quan tới vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong Đề án Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020, mà Bộ KH&ĐT đang dự thảo, một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt, đó là phải nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.
“Các nội dung xúc tiến đầu tư sẽ được đổi mới sao cho có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, đảm bảo tính khu vực và liên vùng, chuyên đề theo lĩnh vực chuyên sâu bám theo chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”, ông nói và khẳng định, nội dụng xúc tiến đầu tư trong thời gian tới sẽ không quá chú trọng giới thiệu thông tin chung chung về Việt Nam, mà tập trung xây dựng và cung cấp thông tin cụ thể về dự án, chủ động giới thiệu với nhà đầu tư các dự án đầu tư.
Việc xúc tiến đầu tư trong giai đoạn tới, theo ông Hoàng, cũng sẽ được tập trung vào những đối tác lớn, các tập đoàn quốc gia và đặc biệt, sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu triển khai dự án hiệu quả để chính họ sẽ là hình ảnh tốt để xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư khác.