Bằng những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng và nhu cầu phát triển, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong những năm gần đây luôn đạt cao.Thứ hạng PCI năm vừa qua của tỉnh tăng lên 19 bậc, trở thành tỉnh nằm trong top dẫn đầu về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh.
Chính nhờ những chính sách thu hút đầu tư mà trong những năm gần đây, Cà Mau khẳng định vị thế là 1 trong 4 tỉnh trọng điểm của trục phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL. Năm 2011 vừa qua, Cà Mau vươn lên trở thành một trong những tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp xếp vị trí 17 trong cả nước và thứ 3 trong vùng ĐBSCL.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển.
(Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cà Mau).
Thu hút đầu tư
Chỉ tính riêng năm 2011, tỉnh có 6 dự án lớn được ký kết đầu tư. Với tổng vốn 4.242 tỷ đồng và 530 triệu USD, 4 dự án thoả thuận hợp tác đầu tư với nguồn vốn 500 tỷ đồng và 936 triệu USD. Các dự án này được xem là bước đột phá cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh xác định cần phải tích cực phát huy nội lực gắn với việc tăng cường thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Trong đó, chú trọng ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh; lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo; các dự án sử dụng nhiều lao động địa phương.
Để thoả mãn nhu cầu các nhà đầu tư, tỉnh tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật; tập trung thu hút dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo hướng đơn giản, công khai hoá thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo môi trường thuận lợi, tốt nhất cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
Tín hiệu đáng mừng là chỉ số năng lực cạnh tranh PCI hiện nay của tỉnh được cải thiện đáng kể. Đây là điều kiện tốt nhất để tỉnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, giảm chi phí về thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch trong tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Chinh nhận định.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt tỉnh công nghiệp, Cà Mau còn nhiều việc cần phải làm. Bên cạnh nỗ lực của tỉnh vẫn cần có sự bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách từ Trung ương nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp, nhà đầu tư gia nhập thị trường.
Về phía tỉnh, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố xây dựng giải pháp duy trì và tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong những năm tiếp theo; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng Khu công nghiệp Khánh An, Hoà Trung, Sông Đốc, Năm Căn, Khu tiểu thủ công nghiệp phường 9 – xã An Xuyên…; đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng cơ sở cùng với sự phát triển của các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bưu chính – viễn thông, các dịch vụ văn hoá xã hội, vui chơi giải trí… đây là lợi thế, là điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Những năm gần đây, nhiều công trình đầu tư lớn từ nguồn vốn Trung ương như: Cảng hàng không Cà Mau, Cảng Năm Căn, Quốc lộ 1A đoạn Cà Mau – Đất Mũi, cầu Đầm Cùng, tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp; đang triển khai xây dựng cầu Năm Căn, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam; đặc biệt là Khu công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau đã được khánh thành và đưa vào hoạt động. Những công trình trọng điểm này là điểm kết nối, tạo cơ hội cho Cà Mau thu hút đầu tư trong những năm tới./.