Rất nhiều vướng mắc về thủ tục, môi trường đầu tư, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư… đã được các doanh nghiệp quan tâm đặt câu hỏi tại Hội nghị Cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam, diễn ra sáng 3/5 tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ quan tâm đến các lĩnh vực mà Việt Nam sẽ thu hút đầu tư thời gian tới. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Việt Nam đã xác định rất rõ 3 định hướng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới là: con người, cơ sở hạ tầng và hệ thống thể chế. Trong đó, yếu tố quan tâm thu hút đầu tiên là nguồn nhân lực – đây cũng là một trong những điểm nghẽn của Việt Nam. Về nguồn vốn đầu tư, Việt Nam không chỉ trông chờ vào vốn FDI, ODA mà thời gian qua đã mở ra nhiều hình thức đầu tư mới như BOT, PPP… và bước đầu đã thu được kết quả tốt.
Tiếp tục làm nóng diễn đàn bằng một câu hỏi rất thực tế, đại diện doanh nghiệp đến từ Ấn Độ chất vấn Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc siêu dự án thép mà Tập đoàn Tata đầu tư vào Việt Nam bị ách lại do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Về vấn đề này, theo Phó thủ tướng, để đảm bảo hiệu quả của Dự án khi triển khai, hiện vẫn còn 9 vấn đề cần giải quyết.
“Công suất sản xuất thép trong nước đã lên tới 8 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ thép chỉ khoảng 6,7 triệu tấn/năm. Những dự án thép đã đăng ký có nguy cơ đẩy Việt Nam thành nước dư thừa về thép chế tạo. Do đó, cần cân nhắc và bố trí hợp lý những dự án thép tiếp theo”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết thêm. Phó thủ tướng khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Với Dự án thép Tata là do Tập đoàn chuẩn bị chậm, chính sách giải phóng mặt bằng cũ không còn hiệu lực. Muốn tiếp tục đầu tư, theo Phó thủ tướng, Tập đoàn phải thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng mới.
Một vấn đề nữa được nhiều doanh nghiệp quan tâm là chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, bởi sự yếu kém của ngành này được coi là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam. Trước ý kiến cho rằng, công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn thiên về những ngành sử dụng nhiều lao động, chưa tập trung vào những ngành công nghệ cao, vốn FDI chủ yếu vào lĩnh vực lắp ráp, đại diện của Chính phủ Việt Nam cho rằng, đây là bước đi cần thiết để giúp lao động nông nghiệp làm quen với lĩnh vực công nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm, tạo an sinh xã hội.
“Có ý kiến cho rằng, Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Intel, Samsung (tới đây là Nokia) chỉ là những lĩnh vực là lắp ráp thông thường, song đây là sự chuyển dịch sớm và rất đáng khích lệ. Chỉ đầu tư có hiệu quả thì doanh nghiệp mới tiếp tục rót vốn vào Việt Nam”, vị đại diện này nói và cho biết, với những dự án lớn vào đầu tư có hiệu quả, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét, có thể có cơ chế hỗ trợ khác ngoài cơ chế hỗ trợ hiện hành.