Sau một năm đối mặt với suy giảm, mở đầu năm mới 2013, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những khởi động với nhiều tín hiệu khả quan.
Bên cạnh một số dự án lớn rục rịch triển khai, trong tháng Giêng, vốn FDI đăng ký cũng đã tăng 74% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, đây cũng gây áp lực trong quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư đang được Bộ KH&ĐT khởi động.
Vẫn còn những lưỡng lự từ phía nhà đầu tư
Theo báo cáo điều tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cuối tháng Giêng vừa qua, dù đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản, nền kinh tế đứng đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa hài lòng về những điều kiện hiện có. Mặc dù có tới 34,2% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tin rằng, năm 2013 sẽ tốt hơn đối với họ (tăng 13,8% so với năm ngoái) nhưng họ không quên chỉ ra rằng, chi phí nhân công ở Việt Nam hiện nay chiếm 18,3% giá thành sản phẩm, cao hơn mức 16,8% của toàn khối ASEAN. Quan trọng hơn, tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 27,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 47,8% và so với mức 60,8% của Trung Quốc hay 52,9% của Thái Lan, thậm chí cả Indonesia (43,3%); đồng nghĩa với việc thiếu chủ động trong sản xuất; đồng thời chi phí cũng bị đẩy lên cao. Đó là chưa kể những lời phàn nàn quen thuộc về thủ tục hành chính và thái độ làm việc của nhân viên công quyền…Trong khi đó, theo kết quả khảo sát hoạt động năm 2012 của ngành công nghiệp hỗ trợ tiến hành tại một số tỉnh, thành có mức thu hút vốn FDI lớn trong nước thời gian qua cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp quyết định không đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh khá cao, lên tới 16,3%. Điều đáng nói là trong một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp FDI còn lưỡng lự chưa quyết định có mở rộng sản xuất kinh doanh trong 3 năm tới hay không chiếm 42,3%. Rõ ràng, nếu không quyết liệt cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kỳ vọng “đuổi kịp và vượt” có thể chỉ là mơ ước khó thành hiện thực.
Sẽ đi vào thực chất hơn
Các nhà đầu tư đều thừa nhận, Việt Nam có dân số trẻ, chất lượng lao động tốt, khéo léo, chi phí lương hợp lý, số lượng ngày nghỉ hàng năm ít, ít bị thiên tai, xã hội ổn định… là những điểm hấp dẫn của Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những khó khăn như chính sách ưu đãi chưa rõ ràng, công nghiệp phụ trợ đang phát triển nhưng chưa đủ, phụ tùng chủ yếu còn phải nhập khẩu từ các nước khác, tỷ lệ nghỉ việc còn cao, thiếu lớp lao động cấp trung,… đang gây những trở ngại lớn trong quá trình đầu tư.
Theo ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), những chính sách và vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Luật đầu tư, những nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài… đang được rà soát và tập trung sửa đổi vào năm 2013. Việc thu hút vốn FDI sẽ tập trung vào những lĩnh vực: Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, những ngành công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo… Bộ KH&ĐT cũng đã có kiến nghị, trong thời gian tới sẽ lựa chọn khoảng 30 tập đoàn xuyên quốc gia về cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo để tiếp cận và giới thiệu dự án cụ thể. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung để giới thiệu môi trường đầu tư một cách chủ động, thống nhất, thay vì giao cho các địa phương tự tổ chức như hiện nay.
“Nếu không cải cách, đổi mới môi trường thu hút đầu tư thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu, không thể cạnh tranh được trong bối cảnh các nước trong khu vực liên tục có những chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Yêu cầu đặt ra là phải có môi trường, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam không thua kém so với các nước trong khu vực” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ mới có Quyết định 304/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 từng bước nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đạt mức xếp hạng tín nhiệm tối thiểu bằng mức khởi điểm đầu tư. Trong số các chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao nội lực của nền kinh tế, tăng cường chủ động và chuyên nghiệp trong việc thực hiện các công việc liên quan đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đồng thời bảo đảm thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
|
Thủ tướng Chính phủ mới có Quyết định 304/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 từng bước nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đạt mức xếp hạng tín nhiệm tối thiểu bằng mức khởi điểm đầu tư. Trong số các chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao nội lực của nền kinh tế, tăng cường chủ động và chuyên nghiệp trong việc thực hiện các công việc liên quan đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đồng thời bảo đảm thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.