Các khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chú trọng tới việc chọn lọc các dự án đầu tư, ưu tiên công nghệ cao, sạch, có sức cạnh tranh mạnh…
Theo số liệu của Ban Quản lý Khu chế xuất (KCX) – Khu công nghiệp (KCN) TP.HCM (Hepza), trong quý I/2011, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCX – KCN trên địa bàn TP.HCM đạt 1,045 tỷ USD, tăng gấp 12,7 lần so với cùng kỳ năm 2010, vốn đầu tư trong nước là 118,28 triệu USD.
Trong số này, có Dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời của Tập đoàn First Solar, với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD tại KCN Đông Nam.
“Chỉ tiêu thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư năm 2011 của Hepza chắc chắn sẽ hoàn thành, vì còn đến 350 ha diện tích đất cùng với 103.000 m2 nhà xưởng đạt tiêu chuẩn cho thuê tại KCX Tân Thuận, KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, Tân Tạo (hiện hữu), Tân Tạo (mở rộng), Hiệp Phước (giai đoạn 2)… sẵn sàng chờ dự án đầu tư”, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Hepza cho biết.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Trung Tín cho biết, năm 2011, Thành phố đặc biệt chú trọng tới việc chọn lọc các dự án đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, sạch, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao và có sức cạnh tranh mạnh, ít sử dụng lao động giản đơn.
“Để thu hút các nhà đầu tư, TP.HCM đã yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng xây dựng sẵn nhà xưởng đạt tiêu chuẩn, trung tâm dịch vụ phục vụ công nghiệp phù hợp cho các ngành sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin, cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng cao tầng để tăng diện tích sàn…”, ông Tín nói.
Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho 5 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 533 tỷ đồng; 6 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 18 triệu USD; 13 lượt dự án FDI điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư gần 29,7 triệu USD.
Ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý KCN Bình Dương cho biết, nhờ hệ thống giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, nên gần đây, các nhà đầu tư vào KCN Bình Dương không chỉ tập trung vào khu vực ven TP.HCM, mà bắt đầu tìm đến các KCN ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Đơn cử, như tại KCN Bàu Bàng (huyện Bến Cát), Công ty TNHH Xây dựng Yong Ho Vina (Hàn Quốc) vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thép xoắn trên diện tích 1,5 ha, với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD.
Trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai (Diza) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 374,5 triệu USD. Bên cạnh đó, có 61 lượt dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, với mức tăng là 906,02 triệu USD, một số doanh nghiệp có số vốn tăng thêm khá lớn như Công ty TNHH Posco VST (tăng thêm 200 triệu USD), Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (tăng thêm 113,47 triệu USD), Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (tăng thêm 92,6 triệu USD)…
Đại diện Diza cho biết, để thu hút các nhà đầu tư vào KCN, cần thống nhất quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng ưu đãi cho dự án mới thành lập và cả dự án mở rộng đầu tư… “Hiện, Công ty Phát triển KCN Long Bình (Loteco) đang thực hiện Dự án Xây dựng KCN Loteco 2 tại huyện Long Thành, với diện tích 200 ha. Tuy nhiên, Nghị định 124/2008/NĐ-CP ban hành năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới chỉ quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư, chứ không quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án mở rộng. Vì thế, Loteco hiện không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp”, đại diện Loteco nói.