Các dự án ODA lớn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc sẽ là mũi đột phá về giải ngân chính cho ngành giao thông trong năm 2012.
Cứu cánh cho Bộ
Tại Dự án xây dựng Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, ngay sau lễ ký cam kết thi đua, nhà thầu Posco (Hàn Quốc) thi công gói thầu A1 đã tiến hành đổ mẻ bê tông với khối lượng gần 1.000 m3 cho hạng mục hầm chui qua Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn huyện Sóc Sơn.
Để có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng trong năm nay, 8 nhà thầu quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc thi công dự án đường bộ cao tốc lớn nhất Việt Nam này, ngoài việc không để “chết” thêm bất cứ ngày nào trong mùa khô mang tính bản lề, sẽ phải huy động đủ nhân lực, tài chính để mở thêm ít nhất hàng chục mũi thi công.
Về phía chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đi đôi với việc bám sát hiện trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh cũng đã “thủ sẵn” trong tay những “quân bài dự trữ” để thay thế nếu có nhà thầu hụt hơi.
Theo ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, nếu thực hiện được kế hoạch, năm 2012, VEC sẽ giải ngân được 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cao gấp 3 lần khối lượng giải ngân năm 2011. Ngoại trừ 2.000 tỷ đồng đến từ Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, công trình sử dụng vốn trái phiếu dự kiến sẽ được đưa vào khai thác toàn tuyến vào tháng 6/2012, khối lượng vốn giải ngân còn lại sẽ đến từ 3 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn OCR là: Dự án Đường cao tốc TP.HCM -Long Thành – Dầu Giây; Dự án Đường cao tốc Hà Nội -Lào Cai và Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Được biết, không chỉ riêng VEC chịu sức ép, các chủ đầu tư trong ngành giao thông – vận tải (GTVT) cũng đang căng sức đẩy tiến độ các dự án ODA trọng điểm.
Tại Dự án xây dựng Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (có tổng mức đầu tư 8.104 tỷ đồng) sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, để cải thiện tình hình thi công, đại diện chủ đầu tư đã phải xem xét thay thế 10 nhà thầu phụ có năng lực yếu kém.
Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), năm 2012, các dự án ODA do Bộ làm chủ đầu tư với lượng vốn đã lo đủ lên tới 11 tỷ USD sẽ là cứu cánh chính cho toàn ngành GTVT.
Nhận định trên là có cơ sở, bởi tới thời điểm này, khi kế hoạch giao vốn ngân sách nhà nước vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân khai, sau khi dùng để trả nợ khối lượng các dự án hoàn thành bàn giao trong năm 2011, Bộ GTVT chỉ còn đúng… 925 tỷ đồng cho hàng trăm dự án còn lại.
Và lối thoát cho các nhà thầu
Dự án xây dựng Đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng (sử dụng vốn vay JICA) là công trình duy nhất “sáng đèn” trong những ngày Tết cổ truyền. Đây cũng là công trình hiếm hoi có khả năng vượt tiến độ hợp đồng gốc từ 5 – 15 tháng.
“Việc đẩy nhanh tiến độ là giải pháp duy nhất với các nhà thầu để tối đa hoá lợi nhuận, nếu không cũng là để giảm thiểu thua lỗ trước nguy cơ giá cả hầu hết vật liệu, nhiêu liệu đầu vào đang tăng mạnh”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – đơn vị thi công gói thầu số 1, Dự án đường vành đai III lý giải.
Hiện tại, các dự án ODA trong ngành GTVT đang được Bộ GTVT “cởi” cơ chế ở mức cao nhất có thể. Theo đó, kể từ tháng 1/2012, các nhà thầu thi công dự án ODA sẽ được chủ đầu tư tạm ứng thêm 10% giá trị hợp đồng và được tạm thanh toán 80% vật tư, vật liệu tập kết tại công trường. Tại nhiều dự án ODA, sau khoảng 30 ngày, tiền thanh toán các khối lượng hoàn thành đã về tới tài khoản của nhà thầu, rút ngắn gần 1 nửa cho với chuẩn mực quốc tế.
“Nếu được đáp ứng đủ nguồn vốn đối ứng, các dự án ODA giao thông năm nay nhiều khả năng sẽ giải ngân được khoảng 40.000 tỷ đồng, tạo được một lượng lớn công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”, ông Hoằng cho biết thêm.