Trong chặng đường hơn 10 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ngành thủy sản Cà Mau đã tạo ra những bước tiến ngoạn mục. Từ khi chủ trương chuyển đổi những vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm ra đời, đời sống của người dân không ngừng nâng cao. Vùng nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tỷ phú.
Trong căn nhà mới xây trị giá trên 400 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Thanh, ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi so sánh, gia đình ông có được nhà ở ổn định, các con được học hành đến nơi đến chốn như hiện nay tất cả là nhờ vào con tôm. Ngày xưa làm lúa, 2-3 giờ sáng là phải ra khỏi mùng tay cuốc, tay phảng. Một ngày bắt đầu từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối mà không đủ ăn.
Cuộc chuyển đổi ngoạn mục
Với xuất phát điểm nuôi tôm quảng canh truyền thống, giờ đây người dân đã phát triển thêm nhiều hình thức nuôi mới như: quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi tôm công nghiệp, xen canh, tôm sinh thái… với năng suất, chất lượng không ngừng được nâng lên qua từng năm.
Kỹ sư Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, năm 2011, ngành thủy sản đã tạo được bước đột phá. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh không ngừng tăng lên. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện khoảng 295.000 ha, sản lượng ước đạt trên 250.000 tấn, tăng gấp 4,4 lần so với năm 1997.
Không chỉ có diện tích tăng mà năng suất, sản lượng bình quân cũng tăng lên hằng năm. Năm 2011, thu nhập bình quân đạt 47,2 triệu đồng/ha (năm 1997 chỉ đạt 8,2 triệu đồng/ha). Năm 2012, ngành thủy sản phấn đấu đạt diện tích tôm công nghiệp 5.000 ha và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD.
Ông Trần Văn Buôl, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, so sánh, ngày trước, nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà mỗi năm 1 ha đất chỉ được tối đa từ 10-12 triệu đồng. Nuôi tôm không chỉ cho thu nhập cao mỗi năm từ 90-100 triệu đồng mà còn dư ra lao động nông nhàn để làm việc khác, tăng thêm nhu nhập. Giờ ông không chỉ xây được nhà tường mà còn mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.
Cơn bão số 5 năm 1997 làm đoàn tàu khai thác thủy sản trên vùng biển Cà Mau gần như bị phá hủy hoàn toàn. Thế nhưng, đến nay mọi khó khăn đã qua đi, Cà Mau đã phát triển một đoàn tàu khai thác khá hùng hậu, khai thác xa bờ vài ngày trên biển. Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có trên 1.200 phương tiện công suất lớn trên 90 CV hoạt động xa bờ.
Vươn ra biển xa
Ông Trần Minh Chiến, khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, nhớ lại, nhờ có được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và của tỉnh mà giờ đây có ngư dân nắm trong tay đoàn thuyền đánh bắt gần chục chiếc. Nếu như trước kia chủ yếu khai thác nguồn lợi thủy sản gần bờ, phương tiện nhỏ, công suất nhỏ, thì giờ đây ngư dân đã chinh phục được biển khơi.
Nếu như năm 1997, sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 85.000 tấn/năm, thì năm 2011, con số đó đã lên trên 153.000 tấn/năm. Trong bối cảnh khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều ngư dân đã có những cải tiến hay để tiết kiệm chi phí.
Gắn bó với biển trên 30 năm, ông Lê Minh Hoàng, khóm 2, thị trấn Sông Đốc, nhận định, bước tiến lớn nhất là ngư dân đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong khai thác. Ngày xưa đi biển chỉ dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu, từ việc xem thời tiết cho đến khai thác. Nhưng giờ ngư dân đã biết đầu tư phương tiện, thiết bị dò tìm cá; biết tập hợp thành đội cùng khai thác để hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đánh bắt.
15 năm qua, ngành thủy sản Cà Mau đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn vào GDP của tỉnh, đưa Cà Mau trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản.