Tin tức

Cà Mau: Điểm nhấn của một đề án

Qua gần 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa – tôm”, nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao ra đời mang lại hiệu quả khá cao. Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa giống cấp xác nhận 620 ha, năng suất đạt gần 5 tấn/ha, tăng 1,1 tấn/ha so với năng suất chung của tỉnh Cà Mau.

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước với hơn 293.000 ha và hơn 54.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng năng suất lúa, sản lượng tôm nuôi đạt thấp nhất cả nước, năm 2009 đạt khoảng 356 kg/ha, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Để tạo bước đột phá về sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa và nuôi tôm, tạo bước chuyển biến mạnh về sản xuất giống, kỹ thuật canh tác, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa – tôm” đã ra đời.

Hướng đến nền sản xuất bền vững

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đề án nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất lúa – tôm cho biết, qua gần 1 năm triển khai thực hiện đề án, năng suất nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái và cả nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao tăng nhiều so với trước.Đặc biệt, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao thu hoạch đạt 462 kg/ha/vụ, tăng 112 kg/ha/vụ, so với nuôi quảng canh truyền thống.

Tổng sản lượng lúa giống sản xuất từ các mô hình hơn 3 ngàn tấn phục vụ cho sản xuất vụ mùa năm 2010. Đề án ra đời tạo bước đột phá nâng cao năng suất, rút ngắn khoảng cách sự chênh lệch về năng suất, chất lượng giữa Cà Mau với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo đề án nâng cao năng suất, chất lượng lúa – tôm huyện Đầm Dơi Trần Minh Nhiều cho biết, tuy trong quá trình tổ chức thực hiện đề án giai đoạn đầu chậm so với yêu cầu, đầu tháng 10/2009 mới chính thức triển khai, nhưng 19 mô hình đều mang lại hiệu quả cao.

Đặc biệt là mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao tăng từ 250 – 300 kg/ha/vụ so với trước khi thực hiện đề án, góp phần tăng sản lượng tôm nuôi của huyện lên khá cao, đạt gần 85% chỉ tiêu cả năm.

Điểm nhấn của đề án không chỉ sắp xếp lại các cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng con giống mà nông dân được nâng cao trình độ chuyên môn, biết áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Nông dân đã biết tạo ra mô hình sản xuất có sự liên kết giữa 4 nhà, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, mang tính bền vững.

Đề án đi vào cuộc sống

Sau nhiều năm nuôi tôm theo kiểu quảng canh truyền thống, dịch bệnh tôm chết thường xuyên xảy ra, nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần. Ông Biện Công Thành, nông dân ấp Tân Trung, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, được chọn thí điểm mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Ông phấn khởi cho biết, sau 3 tháng 17 ngày nuôi trên diện tích 1 ha, tôm đạt từ 40 – 50 con/kg, ước tính vụ này ông thu hoạch lãi hàng chục triệu đồng.

Anh Phạm Văn Tuân, ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, cho biết, trước đây nuôi tôm đời sống bấp bênh, khó khăn. Từ khi được triển khai thực hiện đề án, được tập huấn kỹ thuật, cách chọn con giống, xử lý ao đầm, sau 3 tháng nuôi, tôm đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Theo anh Phạm Văn Thanh, nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, 1 trong 56 điểm được chọn làm mô hình sản xuất lúa giống cấp xác nhận thì từ khi thực hiện đề án được tập huấn, nắm được các quy trình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng và quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, vụ mùa năm 2009, 1 ha lúa OM 4900 năng suất đạt gần 5 tấn/ha.

Ông Phạm Văn Đồng, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời cho hay, từ khi được tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất giống về áp dụng vào đồng ruộng của mình, đến nay lúa gần 50 ngày tuổi, đang phát triển tốt, không bị sâu bệnh, giảm rất nhiều chi phí.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, qua gần 2 năm triển khai thực hiện đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm – lúa, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện hàng trăm mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, mô hình sản xuất lúa cấp xác nhận với tổng diện tích 1.739,5 ha.

Trong đó năm 2009 thực hiện được 682 ha, 8 tháng đầu năm 2010 thực hiện được 1.057,5 ha; tổ chức tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư được 884 lớp, cấp phát 28.772 cuốn tài liệu cho nông dân.

Nhìn chung các mô hình đã triển khai đang phát triển tốt. Bước đầu, thu hoạch 3 điểm nuôi tôm công nghiệp 105 ha, năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha/vụ; 8 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, thu hoạch đạt trên 600 kg/ha/vụ. Mô hình sản xuất lúa cấp xác nhận 715 ha, lúa đang chuẩn bị thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 5 tấn/ha, tăng 1,1 tấn/ha so với trước khi thực hiện đề án.

Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa – tôm giai đoạn 2009 – 2012 và định hướng đến năm 2015 được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt tháng 7/2009.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2012 có từ 70% số hộ nuôi tôm, trồng lúa nắm vững các quy trình kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư áp dụng vào sản xuất, năng suất tôm nuôi tăng 20%, năng suất lúa tăng 15%.

Đến năm 2015 trên 90% hộ nuôi tôm, trồng lúa biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất tôm nuôi tăng 30%, lúa tăng 25% so với trước khi thực hiện đề án, mỗi năm tăng thêm lợi nhuận cho nông dân gần 4 ngàn tỷ đồng./.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2025 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status