Gói kích thích kinh tế mà hàng loạt nước trên thế giới tung ra, trong đó có gói kích thích kinh tế của Mỹ (QE3) có thể làm tăng lạm phát ở Việt Nam.
Báo Đầu tư xin giới thiệu bài viết của TS. Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc Nghiên cứu doanh nghiệp của Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Chi nhánh Singapore về 4 tác động mà QE3 có thể gây ra cho kinh tế Việt Nam.
Tuy QE3 chỉ là một hành động nghiệp vụ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhưng có thể tác động tới toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tác động đầu tiên của QE3 đối với các nền kinh tế khác là có thể làm tăng áp lực lạm phát. Với triển vọng lạm phát Mỹ sẽ tăng lên do QE3, giá cả hàng hóa toàn cầu (tính theo USD) sẽ chịu áp lực tăng lên, làm tăng áp lực lạm phát ở những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, tác động này chỉ xảy ra khi tình hình tại các nền kinh tế lớn khác trên thế giới không xấu hơn so với hiện tại.
Nếu khả năng trên xảy ra, và khi đó, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất tiền đồng để giảm áp lực lạm phát, thì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu giảm, tức làm giảm tốc độ tăng trưởng. Đây có thể là tác động thứ hai của QE3 đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu NHNN thấy rằng, việc tăng lãi suất hơn nữa trong bối cảnh các doanh nghiệp đồng thanh than khó vì lãi suất cao như hiện nay là phải tránh, thì lãi suất có thể được duy trì ở mức hiện tại nhằm hỗ trợ tăng trưởng, thông qua việc giữ nguyên hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ. Lúc đó, áp lực lạm phát không chỉ đến từ áp lực tăng giá hàng hóa quốc tế, mà còn đến từ chính sách tiền tệ không thắt chặt của NHNN.
QE3 có thể còn gây ra tác động thứ ba và là tác động trực tiếp lên nền kinh tế Việt Nam thông qua ảnh hưởng tới tỷ giá và xuất khẩu. Cụ thể, với việc tăng cung USD, lạm phát ở Mỹ có khả năng sẽ tăng thêm 3%, theo kỳ vọng của FED. Việc tăng cung USD của Mỹ, đặt trong bối cảnh NHNN muốn duy trì ổn định tỷ giá danh nghĩa cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng (ít nhất là không thắt chặt), thì giá trị thực của USD sẽ tăng so với VND (vì chênh lệch lạm phát giữa hai nước thu hẹp lại, trong khi tỷ giá danh nghĩa ít biến động). Điều này sẽ có tác dụng tương đương như việc NHNN chủ động phá giá VND một vài điểm phần trăm so với USD, nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Cũng có thể hình dung thêm một tác động nữa của QE3 đối với Việt Nam. Đó là, với lãi suất USD và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ thấp, các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân trong nước sẽ bớt nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ và USD. Thay vào đó, nhu cầu về vàng và bất động sản sẽ tăng lên. Nhờ vậy, thị trường bất động sản có thể ấm lại nhanh hơn và giá vàng trong nước có thể tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.
Tóm lại, ảnh hưởng của QE3 đối với Việt Nam trước tiên sẽ phụ thuộc vào diễn biến ở phần còn lại của nền kinh tế thế giới. Nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ thoát ra cuộc khủng hoảng hiện thời trong năm sau, thì QE3 có thể sẽ làm lạm phát của Việt Nam và thế giới nói chung gia tăng trong năm tới. Trước áp lực duy trì và phục hồi tăng trưởng, NHNN có thể sẽ phải chấp nhận “sống chung” với lạm phát để cố gắng hạ hoặc ít nhất là duy trì lãi suất như hiện tại, tiền đồng vì thế cũng có khả năng bị phá giá ở mức độ nhẹ theo sát với mức lạm phát ở Mỹ để đảm bảo tính cạnh tranh của xuất khẩu. Như vậy, vàng, bất động sản sẽ là những kênh hút vốn đầu tư thời gian tới.