Giải trình trước Quốc hội chiều ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, thực tế, Đề án tái cơ cấu đầu tư công đã được trình Thủ tướng từ năm 2011.
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội về tình trạng triển khai tái cơ đầu tư công quá chậm, chưa có Đề án tái cơ cấu đầu tư công Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ ngay từ năm 2011, trước cả Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và Đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.
“Tuy nhiên, đề án này lúc đó chúng tôi cùng trình với Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nên Thủ tướng cho rằng trong 1792 bao hàm rất nhiều nội dung quan trọng về tái cấu trúc đầu tư công. Cho nên Thủ tướng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ những giải pháp này và đề án đó thì sẽ nghiên cứu phê duyệt sau”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.
Bộ trưởng cũng cho biết, mục tiêu đầu tiên của Đề án cũng là ngăn cản được việc bố trí dàn trải, kém hiệu quả, có chế tài để bố trí vốn tập trung hơn và xác định cho được trách nhiệm của người quyết định đầu tư, mà lại không cân đối được nguồn lực làm cho nợ và làm cho nó hiệu quả thấp. Mục tiêu này cũng tương đồng với 1792 và trong Chỉ thị 1792 đã đưa những quy định tương đối chặt chẽ.
Mục tiêu thứ hai là giải quyết được mối quan hệ giữa phân cấp của quyền tự chủ lựa chọn các bố trí công trình của các Bộ, ngành và địa phương với lại đảm bảo sự kiểm soát của trung ương.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, nguyên nhân của đầu tư dàn trải là vì cơ chế, địa phương quyết định dự án, còn Trung ương bố trí tiền và 1792 đã “chỉnh lại” cơ chế này.
Sau 2 năm triển khai Chỉ thị 1792, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định đã ngăn chặn được tình trạng bố trí vốn TPCP dàn trải khiến hiệu quả đầu tư thấp. Ngoài ra, Chỉ thị đã có chế tài xác định trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư mà không cân đối được nguồn lực gây ra nợ xây dựng cơ bản và hiệu quả đầu tư thấp.
“Trước đây, nguồn vốn TPCP đầu tư dàn trải, kém hiệu quả một phần là do khâu kiểm soát kém. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 1792, đến nay việc bố trí kế hoạch vốn đã đi vào nề nếp. Năm 2013 có tới 96,5% nguồn vốn do các bộ ngành đầu tư đã được kiểm soát chặt chẽ, đã chống được việc đầu tư dàn trải, đầu tư theo đung thứ tự ưu tiên”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
“Nếu tiếp tục như thế này, đến năm 2015 chúng ta có thể cơ bản chấm dứt được tình trạng đầu tư dàn trải, dù rất khó khăn”, Bộ trưởng Vinh dự báo.
Nội dung chính của việc tái cơ cấu đầu tư công đang được triển khai theo tinh thần của Chỉ thị 1792, theo Bộ trưởng Vinh chính là việc chuyển từ bố trí vốn ngắn hạn hàng năm, sang bố trí vốn theo trung hạn từ 3 đến 5 năm.
“Ngay khi vào nhiệm kỳ mới Quốc hội đã thông qua một đề xuất của Quốc hội, đó là không bố trí trái phiếu Chính phủ hàng năm, mà bố trí TPC 4 năm liền, 2012-2015 và cho đến nay Quốc hội đã thông qua danh mục của từng công trình bố trí trái phiếu Chính phủ cho 4 năm. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương rất chủ động trong việc triển khai dự án, không còn phải xin cho nguồn vốn, xin cho công trình, dự án đầu tư. Hiệu quả của cách bố trí này là hiện có rất nhiều công trình sắp hoàn thành, nhưng không bộ ngành, địa phương nào phải mất công xin – cho”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn.
Tiếp đà hiệu quả đó, Bộ trưởng Vinh nhắc lại đề xuất tại kỳ họp lần trước đề nghị Quốc hội cho phép bố trí kế hoạch trung hạn, công khai kế hoạch trung hạn về ngân sách nhà nước cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương.
“Tuy chưa được Quốc hội thông qua nhưng đã được Quốc hội đồng tình và đến nay chúng tôi đã trình trên bàn Thủ tướng Chính phủ kế hoạch trung hạn 3 năm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng cho biết.
Cùng với kế hoạch trung hạn về ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã được công bố 5 năm.
“Như vậy, nếu Thủ tướng công bố nốt ngân sách Nhà nước thì cả ba lĩnh vực, trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước và chương trình mục tiêu Quốc gia đều được công bố đầy đủ cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng Vinh vui mừng cho biết.
Hiệu quả lớn nhất của việc này là tạo ra sự chủ động và sử dụng có hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương biết mình có bao nhiêu tiền trong 3 năm tới, họ sẽ không bố trí dàn trải, sẽ hạn chế đến mức tối đa cơ chế xin – cho và không cần phải đến xin cho.