Tin tức

Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp báo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ 2013

 Sáng ngày 04/01/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo nhằm cung cấp cho cơ quan báo chí các số liệu về tình hình kinh tế – xã hội, tình hình đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài năm 2012 và dự kiến 2013; và công bố kết quả sơ bộ điều tra cơ sở kinh tế sự nghiệp năm 2012. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tham dự và chủ trì buổi họp báo.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tham dự buổi họp báo có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và Hà Nội.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Cục Đầu tư nước ngoài và Tổng cục Thống kê báo cáo tình hình năm 2012 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2013; Tình hình đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài năm 2012 và dự kiến năm 2013; Báo cáo triển khai thực hiện và một số điểm nổi bật qua kết quả sơ bộ tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012.

Tình hình kinh tế – xã hội 2012 và nhiệm vụ năm 2013

Năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế – xã hội đã có những chuyển biến tích cực.

Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô được cải thiện. Nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, cung – cầu hàng hóa, quản lý thị trường…trong năm 2012 giá cả thị trường cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế. Cơ chế quản lý, điều hành về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức khá cao, cơ bản bằng nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra, đạt 18,3%. Xuất siêu cả năm 2012 khoảng 284 triệu USD, bằng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý. Tốc độ GDP năm 2012 đạt khoảng 5,03%. Trong năm 2012, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được cải thiện. Công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, nhất là người lao động mất việc làm được quan tâm hơn. Các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa được quan tâm chỉ đạo và đạt một số kết quả tích cực. Công tác đổi mới quản lý giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh theo yêu cầu tăng cường phân công, phân cấp, tăng cường quyền tự chủ, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy hoạch, kế hoạch. Cũng trong năm 2012, công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm hơn trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm mới, tỷ lệ giảm nghèo, tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch đề ra.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, năm 2013 sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, chính sách như tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm quốc phòng an ninh và chính trị xã hội; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Tình hình đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài năm 2012 và dự kiến 2013

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Trong năm 2012 mặc dù Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại ở trong nước, nhưng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Những đặc điểm nổi bật của ĐTNN trong năm 2012 là:

1. Tính lũy kế đến 15/12/2012, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 14.489 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 213,6 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 13,6% tổng vốn đăng ký, tiếp theo lần lượt là Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore.

2. Tính từ 1/1/2012 đến 15/12/2012, cả nước có 1.100 dự án ĐTNN mới được cấp GCNĐT và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011. Vốn thực hiện đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011.

3. Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong năm 2012 với vốn đăng ký đạt 5,13 tỷ USD, chiếm tới 39,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm. Tiếp theo là các đối tác đến từ Singapore, Hàn Quốc, Samoa, BVI,….

4. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều đầu tư nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,1 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2012. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 1,85 tỷ USD, chiếm 14,2%; lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, chiếm 3,7%.

5. Xét theo địa phương thì Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất trong năm 2012 với 2,53 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư. 5 địa phương tiếp theo có vốn đăng ký xấp xỉ nhau và trên 1,1 tỷ USD lần lượt là: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội và Bắc Ninh.

6. Thu hút ĐTNN vào Việt Nam năm 2012 tuy có giảm về vốn đăng ký so với năm 2011 nhưng vẫn có những điểm sáng đáng lưu ý, cụ thể là: 

Thứ nhất vốn ĐTNN thực hiện năm 2012 giảm nhẹ so với năm 2011, ước đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% mức thực hiện của năm 2011. Đây là một kết quả tích cực góp phần làm cho cán cân vốn tài chính có số dư và góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, làm tăng dự trữ ngoại hối,…

Thứ hai, lượng vốn đăng ký tăng thêm của những dự án đã thực hiện tăng tới 58,5% so với năm 2011, chứng tỏ các nhà đầu tư đã làm ăn ở Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như triển vọng trong tương lai nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đây là một trong những điểm nhấn về FDI trong năm nay. 

Thứ ba, phần lớn các dự án ĐTNN trong năm nay tập trung vào lĩnh vực sản xuất (chiếm trên 70%), phù hợp với định hướng CNH-HĐH. 

Thứ tư, khu vực doanh nghiệp FDI đạt kết quả tăng trưởng về xuất khẩu rất khả quan. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) năm 2012 ước đạt 73,4 tỷ USD, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 33,2% so với năm 2011. Năm 2012 khu vực ĐTNN đã xuất siêu hơn 13 tỷ USD, góp phần đáng kể vào thành tích xuất siêu chung của Việt Nam năm 2012 (khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 12,7 tỷ USD).  

Thứ năm, nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2012 (chưa kể dầu thô) đạt 3,76 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2011 (3,5 tỷ USD) và tăng 23% so với năm 2010 (3,04 tỷ USD), chiếm 18,7% tổng thu nội địa. Thu từ dầu thô vượt dự toán năm gần 30% và ước đạt 5,4 tỷ USD. 

7. Tuy nhiên ĐTNN năm 2012 vẫn còn có một số tồn tại và khó khăn, đó là thu hút ĐTNN có xu hướng suy giảm trong mấy năm gần đây; chất lượng dự án đầu tư chưa cao, tỷ lệ tạo việc làm mới chưa tương xứng với mức thu hút vốn FDI;  một số doanh nghiệp có hiện tượng gây ô nhiễm môi trường, …. Ngoài ra, chính sách pháp luật còn chậm được cải tiến, làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư so với một số nước như Thái Lan, Indonesia, Myanmar,…

8. Dự kiến thu hút và giải ngân ĐTNN năm 2013: Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới và Việt nam trong năm 2013 sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn ĐTNN chưa thể phục hồi mạnh trong năm tới. Dự kiến vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 13 – 14 tỷ USD. Vốn thực hiện đạt khoảng 10,5 – 11 tỷ USD, tương đương với năm 2012.

9. Giải pháp cho năm 2013 và các năm tiếp theo. 

– Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn 2011 – 2020 nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. 

– Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đến quản lý quy hoạch. 

– Tiếp tục thực hiện tốt 3 khâu đột phá là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

– Nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn ĐTNN (chuyển vốn vào, vốn ra).

– Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư. 

– Hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý ĐTNN theo hướng phát huy quyền chủ động của địa phương, đồng thời đảm bảo tập trung thống nhất, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước.

– Cải tiến căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan, tăng cường sự phối hợp, điều phối thống nhất chung và có kế hoạch. Tăng cường hỗ trợ cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả (XTĐT tại chỗ). 

– Giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu, đồng thời xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài

– Vốn đăng ký: Tính lũy kế đến 20/12/2012 đã có 712 dự án ĐTRNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

– Vốn thực hiện: Vốn thực hiện lũy kế ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Riêng năm 2012 vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã từng bước đi vào nề nếp, có một số dự án đã bước đầu thành công và đã chuyển lợi nhuận về nước. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư ra của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar,…và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông,… Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hạng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư. 

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước. Một số lĩnh vực đầu tư quan trọng tại Lào và Campuchia chậm được triển khai thực hiện. 

Dự kiến năm 2013 vốn đăng ký của đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1 – 1,5 tỷ USD; Vốn thực hiện: 900 triệu USD – 1 tỷ USD.

Kết quả sơ bộ cuộc điều tra cơ sở kinh tế sự nghiệp năm 2012

Theo kết quả sơ bộ, tổng điều tra cho thấy cả nước có gần 5,2 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 27,7% so với năm 2007 tương đương 1,1 triệu đơn vị, tốc độ tăng bình quân hàng năm 5%; số lượng lao động là 22,5 triệu người, tăng 38,6% tương đương 6,2 triệu người so với năm 2007, tốc độ tăng bình quân hàng năm 6,7%.
Số lượng đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp tập trung vào vùng Đồng bằng Sông Hồng, thấp nhất là vùng Tây Nguyên.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cùng đại diện các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trả lời các câu hỏi của các nhà báo liên quan đến vấn đề tình hình kinh tế – xã hội, vấn đề đầu tư nước ngoài cũng như một số nội dung liên quan đến phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status