Mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư của Nhà nước đang giảm dần để nhường sân cho các thành phần kinh tế khác, nhưng nguồn vốn này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, thảo luận vào Dự thảo Luật Đầu tư công vào đầu tuần này, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc phải ban hành Luật Đầu tư công để quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, chống đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Đầu tư công để bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí
Đánh giá thực tế công tác quản lý đầu tư công trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khái quát: “Chưa có một văn bản luật thống nhất; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công còn thiếu và chưa đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn; các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, còn có khoảng trống pháp luật, dễ gây thất thoát, lãng phí; trong một số quy định hiện hành chưa đảm bảo sự rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể trong quản lý đầu tư công”.
“Việc nghiên cứu xây dựng Luật Đầu tư công nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát, chậm tiến độ, nợ đọng kéo dài, kém hiệu quả và đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống luật pháp, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Kỳ vọng Luật Đầu tư công sẽ trở thành “con đê chống tham nhũng, lãng phí”, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Kim Khoa đề nghị, luật không chỉ quy định chi tiết, cụ thể toàn bộ hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, thực hiện, theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, mà còn phải tính đến sự khả thi ngay trong những quy đinh cấm.
Đánh giá rất cao Dự thảo Luật Đầu tư công quy định cụ thể 14 nội dung bị cấm trong đầu tư công, nhưng ông Khoa vẫn băn khoăn tính khả thi đối với hành vi cấm “phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công kém hiệu quả”.