Tin tức

Bình Dương thu hút đầu tư với lợi thế hạ tầng

Các nhà đầu tư Nhật Bản có 13 dự án trong tổng số 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được UBND tỉnh Bình Dương trao giấy chứng nhận đầu tư mới đây.

Các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản có tổng vốn đầu tư 512 triệu USD, chiếm phần lớn tổng vốn đầu tư của 17 dự án nêu trên (607 triệu USD). Trong số đó, một dự án dịch vụ đô thị có quy mô lớn, thể hiện ý định gắn bó lâu dài của nhà đầu tư Nhật Bản với Bình Dương.

 

Nhận định về thực tế trên, ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng, Bình Dương tiếp tục được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao so với các địa phương khác. “Bình Dương là địa điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo của Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Mori nói.

 

Được biết, các dự án FDI được Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư lần này đa phần đều thuộc các lĩnh vực ngành nghề được chú trọng thu hút đầu tư theo định hướng công nghiệp hoá của Chính phủ. Trong đó, các dự án công nghệ cao chiếm tỷ trọng đáng kể. Có thể kể đến dự án tăng thêm 175 triệu USD vốn để sản xuất bản mạch điện tử camera của Công ty TNHH Sài Gòn Stec; dự án tăng thêm 150 triệu USD để sản xuất camera module dùng trong điện thoại di động, sản xuất vi mạch tích hợp, bo mạch điện tử của Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics…

 

Mặc dù có quy mô vốn nhỏ hơn, nhưng các dự án công nghiệp hỗ trợ lại đa dạng ngành nghề, góp phần bổ sung nguồn cung trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hoá cho các ngành công nghiệp sản xuất. Trong đó, phải kể đến Dự án Sản xuất ắc quy cho xe máy và ô tô của Công ty TNHH Ắc Quy GS Việt Nam; Dự án Sản xuất cánh quạt trong động cơ diesel của Công ty TNHH Seebest; Dự án Sản xuất cầu chì, điện trở, thiết bị chống giao động nhiệt, dẫn nhiệt… của Công ty TNHH Uchihashi Việt Nam…

 

Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghiệp kết hợp dịch vụ đô thị được xem là một trong những lợi thế so sánh được Bình Dương chú trọng đầu tư, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng mừng là, Bình Dương cùng các nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang tìm được tiếng nói chung trong lĩnh vực này.

 

Ông Yakabe Yoshinori, Phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, từ khi Thành phố Thủ Dầu Một nâng cấp từ đô thị loại 3 lên loại 2, các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhận thấy nhiều tiềm năng trong phát triển và đầu tư dự án tại đây. Một trong 17 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần này là Khu phức hợp dịch vụ thương mại do AEON đầu tư, với số vốn 95 triệu USD cũng chọn nơi đây làm địa điểm đầu tư.

 

Tuy nhiên, để thu hút thêm vốn đầu tư của Nhật Bản có xu hướng mở rộng đầu tư vào Việt Nam, theo ông Mori, Bình Dương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư bằng việc nâng cao chất lượng lao động, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phát triển quỹ nhà ở, đô thị cho công nhân cũng như nhà đầu tư. Trong đó, việc hình thành một khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản, với các tiêu chí phù hợp, cũng là vấn đề cần quan tâm.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status