Phát triển du lịch biển đảo được đánh giá là trọng tâm đầu tư phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
Sản phẩm du lịch số 1 của Việt Nam
Với bờ biển dài trên 3.000 km, hàng ngàn đảo lớn nhỏ là những điều kiện thuận lợi cho du lịch biển Việt Nam phát triển.
Những bãi biển, vịnh biển của Việt Nam được du khách quốc tế biết đến như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang hay bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh… đều nói lên sức hút của biển Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước.
Dọc bờ biển Việt Nam đã có khoảng 125 bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du lịch, trên 30 bãi biển đã được đầu tư và khai thác. Trong đó, các khu vực biển có tiềm năng lớn đã đầu tư phát triển là vịnh Hạ Long – Hải Phòng – Cát Bà; Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; Vân Phong – Đại Lãnh – Nha Trang; Vũng Tàu – Long Hải – Côn Đảo; Hà Tiên – Phú Quốc; Phan Thiết – Mũi Né.
Tại Hội nghị Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định “Du lịch biển đảo chính là sản phẩm du lịch số 1 của Việt Nam, kế đó là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Cho nên trong chiến lược phát triển du lịch mà chúng tôi đã xây dựng, trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì du lịch biển đảo chính là đối tượng được ưu tiên chú trọng phát triển hàng đầu”.
Cần thu hút đầu mạnh mẽ
Từ những điều kiện thuận lợi, quan điểm định hướng như trên, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đang xây dựng Quy hoạch chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, trong đó gắn phát triển du lịch với phát triển du lịch biển đảo ở những nơi có trọng tâm, đủ điều kiện để phát triển du lịch biển đảo nhất.
Ví dụ, ngành du lịch sẽ hình thành các trung tâm du lịch Hạ Long-Cát Bà, khu vực Lăng Cô-Đà Nẵng-Quảng Nam, khu vực Phú Yên-Khánh Hòa-Bình Thuận-Vũng Tàu, Hà Tiên-Phú Quốc-Côn Đảo. Hạt nhân của các trung tâm này là các đô thị du lịch quốc gia như Hạ Long, Đồ Sơn, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc…Đó là khu vực du lịch biển đảo mà chúng ta đang kỳ vọng sẽ mang lại những bước đột phá cho du lịch biển Việt Nam.
Để đẩy mạnh phát triển và khai thác tiềm năng du lịch biển đảo của Việt Nam, ông Tuấn cho biết, Tổng Cục sẽ đề xuất, xây dựng những cơ chế để thu hút đầu tư, tạo những điểm đến, thương hiệu nổi bật cho du lịch biển đảo quốc gia trong những năm tới.
Thời gian tới, Du lịch biển đảo Việt Nam sẽ từng bước vươn ra những vùng xa bờ hơn như Cù Lao Chàm, Phú Quý, Bạch Long Vĩ. “Và chúng tôi cũng kỳ vọng trong một tương lai không xa, Trường Sa sẽ trở thành một điểm đến. Vì ở đó hội tụ đầy đủ những điều kiện, không chỉ về tài nguyên du lịch mà còn yếu tố tâm linh, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc của người dân Việt Nam. Do vậy, chúng ta có quyền hy vọng một tương lại không xa Trường Sa sẽ là một điểm đến du lịch hấp dẫn của du lịch biển đảo Việt Nam” ông Tuấn nói thêm về chiến lược phát triển du lịch biển đảo trong tương lai.
Đặc biệt, GS.Ts Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, Viện đang nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển du lịch Trường Sa trong tổng thể phát triển du lịch biển đảo Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch biển đảo chúng ta còn phải đầu tư rất nhiều, trong đó có vấn đề đầu tư hạ tầng cơ sở. Trước hết cần có những cảng du lịch chuyên dụng để thu hút khách du lịch đường biển. Hiện cả nước mới chỉ có Hạ Long có được cảng biển du lịch chuyên dụng phục vụ cho du lịch đường biển. Tới đây một số địa điểm như Lăng Cô (Huế), Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc sẽ là những nơi mà Tổng Cục đã kiến nghị và đưa vào quy hoạch cần phải có hạ tầng cảng biển du lịch.
Ông Tuấn nhấn mạnh “Đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo nhưng phải gắn với an ninh, quốc phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia. Đây là điều chúng ta không bao giờ được lơ là”.