Tin tức

Bắt xu hướng để hút vốn FDI

Đang có những dịch chuyển xu hướng đầu tư trong các ngành công nghệ – thông tin, chế biến thực phẩm… từ các nước trong khu vực mà Việt Nam có thể nắm bắt để đổi chất dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thông tin từ ông Nobuo Kato, chuyên gia phân tích Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Nông nghiệp, Rừng và Nghề cá của Nhật Bản) cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã liên lạc với ông để tìm kiếm địa điểm đầu tư chế biến thực phẩm cho thị trường Nhật Bản sau vụ động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 vừa qua. Một số điểm đến đang được nghiên cứu là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

 

Với Việt Nam, rào cản lớn nhất là khả năng tìm kiếm diện tích đất đủ rộng để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp và công nghệ cao. “Chúng tôi đã tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam, nhưng sự manh mún trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp với các dự án sản xuất quy mô lớn”, ông Nobuo Kato phân tích.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không thể chờ đợi chính sách thay đổi mới tiến hành đầu tư. Một số dự án đầu tư vào chế biến thực phẩm của nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang được triển khai trên quy mô nhỏ, nhằm khai thác thị trường còn mới của Việt Nam. “Một số dự án đang có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến tại Việt Nam song hành với phát triển vùng nguyên liệu ở Campuchia, Lào… để tận dụng lợi thế của các quốc gia trong khu vực. Việt Nam cần có thêm sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho nông thôn để có thể tận dụng cơ hội này”, ông Nobuo Kato tiết lộ.

 

Có một thực tế là, Việt Nam thường xuyên có tên trong danh sách địa điểm lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản, song cũng lại là địa điểm bị cạnh tranh nhiều nhất. Ngay trong lĩnh vực công nghệ – thông tin, cụ thể là gia công phần mềm mà Việt Nam luôn được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, cũng đã có những thông tin bất lợi.


Ông Yukihiko Takeda, Chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Astmilcorp Co., Ltd. (Nhật Bản) cho biết, bản đồ về gia công phần mềm của thế giới đang nổi lên những tên tuổi rất mới là Campuchia và Bangladesh, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam. “Điểm đáng phải quan tâm là hai địa danh mới này có trình độ lao động tương đương Việt Nam, nhưng chi phí rẻ hơn đáng kể. Họ đang là đối thủ nặng ký của Việt Nam trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Takeda cảnh báo và cho rằng, Việt Nam cần cải thiện nhanh chất lượng lao động, nếu không muốn rơi vào thế cạnh tranh sống còn với các địa điểm mới.

 

Hơn thế, ông Takeda cũng tiếp tục nhấn mạnh về xu hướng chuyển đổi rất nhanh của thị trường công nghệ, lĩnh vực mà Việt Nam đang nhắm tới trong thu hút FDI. “Vòng đời của một sản phẩm chỉ khoảng 6 tháng đến 1 năm, nên doanh nghiệp không thể chờ đợi cả tháng để hoàn tất thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, ông này nói.

 

Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hơn 60% doanh nghiệp FDI phải mất 56 ngày để hoàn tất các thủ tục đầu tư… Điều này có lẽ cũng tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao…

 

Dòng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm chậm lại đáng kể, chỉ bằng 52,2% so với cùng kỳ. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn FDI tháng 4/2011 tiếp tục giữ xu hướng tăng, với trên 1 tỷ USD, song cũng đã chậm lại so với tháng trước.

 


Một số dự án quy mô lớn được cấp phép trong 4 tháng đầu năm 2011

 

– Dự án Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt Nam (tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD) tại TP.HCM.

 

– Dự án Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (tổng vốn đầu tư 322,2 triệu USD), với mục tiêu thiết kế, xây dựng và lắp đặt các hạng mục công trình xử lý nước thải tại Hà Nội.

 

– Dự án Công ty TNHH một thành viên Enfinity Ninh Thuận (tổng vốn đầu tư 266 triệu USD), với mục tiêu sản xuất điện tại Ninh Thuận.

 

– Dự án Công ty TNHH Wintek Việt Nam (tổng vốn đầu tư 250 triệu USD) tại Bắc Giang, có mục tiêu sản xuất và gia công tấm cảm ứng, thiết bị thể hiện tinh thể lỏng LCD modum.

 

– Dự án Công ty Bến du thuyền Đà Nẵng của nhà đầu tư BritishVirginIslands (tổng vốn đầu tư 174 triệu USD).
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status