Tại hội nghị tham tán thương mại Việt Nam 2013 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25-12 tại TPHCM, các tham tán của thương vụ Việt Nam tại các nước và chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin tích cực lẫn các thách thức cho xuất khẩu thủy sản năm 2014.
Tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết năm 2013 thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi 156 thị trường. Trong đó, 10 thị trường lớn nhất chiếm đến 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả năm 2013 nằm trong khoảng từ 6,7 tỉ đến 7 tỉ đô la Mỹ, tức tăng khoảng 200 triệu đến 500 triệu đô la Mỹ so với cả năm 2012.
Mỹ, Nhật và EU tiếp tục là những thị trường dẫn đầu và đều tăng trưởng so với năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh các thị trường chính, các thị trường mới nổi như Trung Quốc – Hồng Kông, Nam Mỹ đang thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, trong năm nay xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông ước tính đạt 650 triệu đô la Mỹ, tăng đến 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi xuất khẩu (chủ yếu là cá tra) sang các nước khu vực Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Mexicochỉ mới đạt trên 100 triệu đô la Mỹ nhưng lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên chứng tỏ nhu cầu vẫn còn cao. Tuy nhiên để được xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp phải được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu.
Ông Hòe đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp hỗ trợ làm tăng số doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường trong khối.
Để hỗ trợ xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU, ông Vũ Bá Phú, Tham tán công sứ của Thương vụ tại Bỉ và EU, cho biết đang phối hợp với Vasep và các đối tác để xây dựng xây dựng trung tâm phân phối cá tra và tiến tới là sản phẩm thủy sản tại cảng Zeebrugge, Bỉ.
“Đây là một trong những cảng lớn nhất EU. Bán kính 500km xung quanh cảng này bao phủ các thành phố lớn, thủ đô của hầu hết các nước trong khu vực, thủy sản từ đây chở đến đó chỉ mất vài giờ đồng hồ. Đây là cơ hội lớn để nâng cao hình ảnh thủy sản Việt Nam trong khu vực”, ông Phú nói.
Một thông tin tích cực cũng đang hỗ trợ cho xuất khẩu thủy sản vào Nhật, theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ, Trưởng cơ quan Thương vụ tại Nhật Bản, vài tháng gần đây tình hình thủy sản nhập khẩu có hàm lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép đã giảm mạnh.
Nhưng theo ông Dũng, các doanh nghiệp và nhà quản lý chưa thể hài lòng với kết quả này mà cần phải tiếp tục các giải pháp quản lý chất lượng.
Hiện tại, cơ quan chức năng của Nhật Bản đang xem xét nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ 0,01ppm lên 0,2 ppm. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, đây là tin vui cho tôm sang thị trường này bởi chỉ tiêu dư lượng chất này trong tôm vẫn đang là rào cản chính đối với tôm Việt Nam.
Thách thức vẫn lơ lửng
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết vẫn có nhiều thách thức đối với thủy sản Việt Nam vào thị trường tiêu thụ lớn nhất này, đầu tiên là chương trình giám sát cá da trơn, một phần trong dự luật Nông trại Mỹ 2013 (Farm Bill 2013).
Chương trình giám sát cá da trơn lần đầu tiên được đưa vào Luật Nông trại 2008, theo đó, trách nhiệm giám sát cá da trơn nhập khẩu sẽ được chuyển từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm sang Bộ Nông nghiệp Mỹ. Điểm đáng chú ý nhất trong dự luật là quy định áp đặt tiêu chuẩn tương đồng, có nghĩa là toàn bộ chuỗi sản xuất cá tra từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến đóng gói ở Việt Nam đều phải tương đồng với điều kiện ở Mỹ. Nếu không Mỹ sẽ không cho phép cá tra nhập khẩu vào thị trường này.
Ông Nhân cho biết trong trường hợp chương trình giám sát được đưa về Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam sẽ phải mất từ 5 tới 7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn tương đương với những nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản Mỹ trước khi có thể nối lại xuất khẩu vào Mỹ.
Ông Nhân cũng cho hay Thương vụ Việt Nam đã vận động nhiều bên từ Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ, các nghị sĩ, học giả, báo chí và đặc biệt là đại sứ hai nước Thái Lan, Indonesia, hai nước cũng sẽ chịu tác động như Việt Nam, viết thư phản đối việc áp dụng chương trình giám sát .
Bên cạnh đó, đối với việc công bố kết quả cuối cùng đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3 năm sau, ông Nhân cho biết nhiều khả năng Mỹ sẽ lựa chọn Indonesia, thay vì Bangladesh như nhiều năm nay họ vẫn chọn, làm nước thay thế để tính toán giá thành sản xuất cá tra. Việc lựa chọn Indonesia sẽ là bất lợi lớn cho ngành cá tra Việt Nam. Ông Nhân cho hay đã làm việc với luật sư tư vấn cho các doanh nghiệp cá tra cũng như Công ty Vĩnh Hoàn để đấu tranh với việc lựa chọn Indonesia làm nước thay thế.
Cuối cùng, luật về hiện đại hoá về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ đưa thêm một số quy định mới như quy định về thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất, công nhận các đơn vị kiểm dịch của bên thứ ba…cũng là vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này cần lưu tâm trong năm 2014.
Ông Hòe của Vasep cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc cần tỉnh táo, lựa chọn các hình thức xuất khẩu an toàn như xuất khẩu chính ngạch, chọn hình thức thanh toán đảm bảo như mở L/C (tín dụng thư) xuất khẩu… để tránh bị thiệt hại.