Tin tức

CPI tháng 7 được dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 0,2-0,3% so với tháng 6

Sau 3 tháng của quý 2 chỉ tăng ở mức rất thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong ngắn hạn. Tại Hội nghị sơ kết hoạt động Tổ điều hành thị trường trong nước vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc, các ý kiến đều thống nhất quan điểm này.
“Trong tháng 7, do giá cả phần lớn các loại hàng hóa trên thị trường tiếp tục xu hướng ổn định hoặc dao động ở mức thấp nên CPI chỉ tăng nhẹ so với tháng 6 và ở mức khoảng 0,2-0,3%”, dự thảo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định.
Dù khá “chắc tay” trong dự báo CPI những tháng gần đây nhưng nhìn trong dài hạn, Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, giá cả thị trường vẫn tiềm ẩn những nhân tố khó lường
 

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi để có thể giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đưa tăng trưởng đạt cao hơn trong 2 quý cuối năm, theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những yếu kém tồn tại của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng thấp trong năm 2009 sẽ còn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống, trong đó lạm phát vẫn còn nguy cơ có thể quay trở lại nếu không có đối sách thích hợp.

Dự báo về giá cả hàng hóa 6 tháng cuối năm, Tổ điều hành cho rằng, thị trường hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục chịu tác động từ các chính sách kinh tế vĩ mô, các chỉ số kinh tế từ các nền kinh tế chủ chốt.

Một số nền kinh tế lớn tuy đã phục hồi nhưng vẫn tồn tại những bất ổn, việc duy trì lãi suất thấp tại một số nước gây lo ngại về khả năng tăng trưởng quá nóng (trong quý 1, Brazil đạt tăng trưởng 10%, Trung Quốc tăng 11,9%…), đặc biệt là những lo ngại từ cuộc khủng hoảng châu Âu và các biện pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế, cũng như nhu cầu đối với các hàng hóa thiết yếu.

Tổ điều hành cho rằng, giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới còn diễn biến khó lường, nhưng sẽ chỉ biến động nhẹ. Chia sẻ nhận định này, đại diện Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) lưu ý đến các mặt hàng như sắt thép, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc chữa bệnh…

Cũng liên quan đến các tác động từ quốc tế, vị này cho rằng, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất cuối năm có thể tăng lên trong giai đoạn tới, gây áp lực tăng nhập siêu. Trong khi diễn biến đồng Nhân dân tệ lên giá cũng sẽ làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam.

Ở trong nước, tiêu dùng và đầu tư cũng đang lấy lại đà phục hồi. Với một năm nhiều ngày lễ lớn, nhiều công trình lớn được đầu tư thì nửa cuối năm 2010 có thể xuất hiện mức cầu hàng hóa lớn hơn. Ngoài ra, bội chi ngân sách theo dự kiến cả năm là 119,7 nghìn tỷ đồng thì vẫn còn nhiều dư địa khi hết 6 tháng mới đạt trên 28 nghìn tỷ đồng.

Trong một diễn biến trái chiều, chi phí đầu vào sản xuất đã cơ bản sẽ chắc chắn ổn định ở một số yếu tố. Giá than và điện sẽ không tăng trong nửa cuối năm nay, ngoài ra là lương lao động và thuế… Tuy nhiên, giá xăng dầu và một số hàng hóa khác sẽ tiếp tục theo cơ chế giá thị trường trong nửa cuối năm nay.

Với nhân tố tiền tệ, theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), dự báo cả năm 2010, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20-23%, tín dụng tăng 24-26%, huy động vốn tăng khoảng 23-24%. Nếu so với các con số tương ứng đến hết tháng 6 là khoảng 9,6%; 10,52% và 10,82%, lượng cung tiền ra thị trường nửa cuối năm có thể sẽ cao hơn.

Riêng lãi suất, Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng có thể giảm trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, mức độ giảm sẽ khó có thể đạt biên độ lớn do kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc và còn tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát; cầu vốn trên thị trường lớn hơn cung…

Trong khi đó, tỷ giá có nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định. Việc điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ… trong giai đoạn trước khiến cung cầu ngoại tệ cân bằng hơn.

Hiện, tính thanh khoản ngoại tệ ở mức cao, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại ở mức dương khoảng 500 triệu USD. Tính đến tháng 6, VND chỉ giảm giá khoảng 2,8% so với USD, tỷ giá thị trường tự do sát với tỷ giá của ngân hàng thương mại, Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.

Dự báo kịch bản kinh tế cho 6 tháng còn lại, nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, sản xuất và tiêu dùng sẽ tiếp tục khả quan, các nguồn vốn huy động có thể đạt cao hơn, xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh cũng với sự phát triển của thị trường trong nước sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP. Thêm nữa, các chính sách và giải pháp bình ổn thị trường cũng đang được rốt ráo thực hiện.

Trên cơ sở đó, các phân tích đều cho rằng, CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng thấp trong quý 3, chuyển thêm dư địa cho các tháng của quý 4. Ở kịch bản khả thi, với mức tăng CPI hơn 1% trong 2 tháng cuối năm nay, nhiều khả năng CPI năm 2010 vẫn chỉ tăng ở mức 1 con số.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status