Tin tức

ASEAN + 6 có thể trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới

 16 quốc gia trong khu vực Châu Á–Thái Bình Dương với nòng cốt là 10 quốc gia ASEAN cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand và Australia có thể hình thành một khu vực thương mại tự do lớn chưa từng có.

Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Cẩm Tú đã có một số chia sẻ về nội dung chính của hội nghị cũng như lộ trình bàn thảo về RCEP.

 

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng chia sẻ về những nội dung chính trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19?

 

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Các Bộ trưởng xem xét nhiều vấn đề quan trọng bao gồm: đánh giá lại tình hình hợp tác kinh tế của các nước ASEAN trong năm 2012, trên cơ sở đó xác định định hướng quan trọng cho hoạt động hợp tác năm 2013, hướng đến thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015.

 

Cụ thể, Bộ trưởng xem xét đến một số sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN về phát triển đồng đều, kết nối con người, kết nối thể chế của ASEAN bao gồm sáng kiến tăng trưởng năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN với các đối tác và xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN, xây dựng năng lực kinh doanh cho các doanh nghiệp trẻ và cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đã ký kết hiệp định thư sửa đổi một số nội dung quan trọng trong hợp tác kinh tế khu vực ASEAN, đây là nội dung để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

 

Các Bộ trưởng đồng thời xem xét đến sáng kiến mang tính tiên phong, thể hiện cho vai trò trung tâm của các nước ASEAN cũng như tính dẫn dắt của các nước ASEAN, đó là Hiệp định về đối tác kinh tế toàn diện ASEAN hay còn gọi là RCEP. Hiệp định này theo đúng lịch sẽ được khởi động đàm phán vào năm 2013 và kết thúc vào năm 2016 và nếu được hình thành thì sẽ có một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với tổng số dân khoảng 50% dân số thế giới và GDP chiếm tổng khoảng 30% GDP thế giới.

 

Phóng viên: Một thách thức đáng kể đối với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN là những khó khăn trong việc làm hài hòa các thủ tục, nhất là thủ tục hải quan, tiêu chuẩn sản phẩm và các tiêu chuẩn vệ sinh – an toàn thực phẩm, quy tắc về xuất xứ, ASEAN đã làm gì để giải quyết các khó khăn đó?

 

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Đối với vấn đề hài hòa thủ tục, phải thừa nhận đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với các nước ASEAN bởi vì các nước ASEAN có nền tảng chính trị, văn hóa, xã hội hết sức khó khăn, xuất phát điểm rất khác nhau về kinh tế và cho đến tận bây giờ thì trình độ phát triển kinh tế của các nước ASEAN vẫn chênh lệch nhau rất nhiều, đặc biệt là giữa các nước ASEAN 6 và ASEAN gia nhập sau này bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.

 

Vấn đề hài hòa thủ tục dù rất cần thiết nhưng rất khó khăn. Tuy nhiên những năm vừa qua, ASEAN đã làm được rất nhiều việc, trong năm 2012, ASEAN đã ký kết được hiệp định hải quan mới, thay thế cho Hiệp định hải quan năm 1997.

 

Ngoài ra, hiện nay, các nước ASEAN đang tích cực thực hiện cơ chế hải quan 1 cửa ASEAN, hiện đang thực hiện hải quan 1 cửa tại từng nước để hướng đến thực hiện hải quan 1 cửa tại tất cả các nước ASEAN. Hoạt động kinh doanh thương mại giữa các nước sẽ trở nên hiệu quả hơn. Thứ ba, các nước ASEAN cũng xây dựng được chiến lược phát triển hải quan chung trong giai đoạn 2011 – 2015.

 

Về thủ tục chấp nhận xuất xứ, ASEAN đã có một số tiến bộ. Thời gian qua, ASEAN đã thực hiện sáng kiến tự chứng nhận của các doanh nghiệp, hiện nay các nước đang thực hiện thí điểm và từ đó hoàn thiện thể chế của nước mình để xây dựng cơ chế phối hợp giữa các nước.

 

Về vấn đề tiêu chuẩn sản phẩm, hiện ASEAN đang cố gắng hài hòa tiêu chuẩn của 12 nhóm sản phẩm ưu tiên thông qua ký kết các thỏa thuận trong lĩnh vực như điện, điện tử, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp, ô tô… ASEAN đồng thời xây dựng được cơ chế quản lý chung như chúng ta đã làm trong lĩnh vực điện, điện tử và nay đến các lĩnh vực khác như thiết bị y tế hay thuốc cổ truyền dân tộc, dinh dưỡng bổ sung…

 

Cuối cùng, thời gian gần đây, ASEAN cũng rất quan tâm đến đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, xây dựng chương trình hành động chung trong năm 2011 – 2015.

 

Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp là đối tượng trực tiếp thực hiện thỏa thuận của ASEAN nên ASEAN dành sự quan tâm đặc biệt đến các doanh nghiệp, ví như đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN, mang đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực của các doanh nhân trẻ.

 

Xin cám ơn Thứ trưởng về những thông tin được chia sẻ!

Hiệp định về đối tác kinh tế toàn diện ASEAN (RCEP) bao trùm 16 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với nòng cốt là 10 quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia (gọi tắt là ASEAN + 6). Hiện tại, 16 quốc gia này đang chiếm khoảng 1/3 tổng lượng thương mại và GDP toàn cầu và dự tính, RCEP sẽ trở thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bên cạnh WTO.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status