Tin tức

Nano bạc cứu người nuôi tôm

Tình trạng tôm chết hàng loạt đã và đang diễn ra nghiêm trọng tại các vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của ĐBSCL. Đặc biệt, tại các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… nhiều hộ nuôi tôm gần như mất trắng mấy vụ liền, phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền trả nợ. 

 Kháng khuẩn, diệt tảo độc

Theo nhóm nghiên cứu, bạc được biết đến như vật liệu “siêu” diệt khuẩn, được ứng dụng lâu đời trên các vật dụng điện tử, gia đình. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng dung dịch nano bạc để diệt vi khuẩn, nấm, sâu bệnh chỉ mới phổ biến trong vài năm trở lại đây.

Chính vì thế, tiến sĩ Đặng Mậu Chiến cùng một số nhà khoa học trẻ tại LNT đã quyết định chọn nông nghiệp là lĩnh vực chính để xây dựng chiến lược nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm, công nghệ nano, tiêu biểu là dung dịch nano bạc giúp phòng ngừa bệnh tôm.

Theo tiến sĩ Chiến, nhóm xác định được 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt là con giống và môi trường nước. Trong đó, môi trường ô nhiễm vì dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chứa mầm bệnh chưa được xử lý và các độc tố khác như tảo… là đáng quan tâm nhất. Tìm hiểu xong yếu tố gây bệnh trên tôm, nhóm bắt tay vào nghiên cứu cách khắc phục.

Ròng rã 3 năm, làm việc cật lực với hàng trăm bài thực nghiệm; thành công có, thất bại cũng nhiều nhưng cuối cùng cũng cho ra dung dịch nano bạc. Thực nghiệm trong môi trường phòng thí nghiệm chứng minh sản phẩm nano bạc có khả năng diệt tảo lam và các loại vi khuẩn Escherichia coli, Vibrio anguillarum, Vibrio harveyi, V.Fluvialis, V. Parahaemolyticus (những loài gây bệnh trên tôm).

Để kiểm chứng rõ hơn, nhóm tiếp tục thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng tại trại nuôi tôm – Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Kết quả, sau 53 ngày (ngưỡng tử hiện nay đối với tôm từ 10 – 30 ngày) cho thấy, tôm trong bể nuôi có sử dụng nano bạc còn sống trên 85%. Trong khi ở bể đối chứng, tôm chết gần 100%.

 Có thể ứng dụng ngay

Thành công trong môi trường thực nghiệm của sản phẩm dung dịch nano bạc là một tin vui không chỉ đối với nhóm nghiên cứu bởi thực tế hiện nay, các hộ nuôi tôm từ Cần Giờ (TPHCM) đến Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau… đang vật lộn để cứu ao tôm. Số ao tôm bị nhiễm dịch tại các tỉnh này đang tăng lên mỗi ngày mà chưa có giải pháp khắc phục. Tính chung tại ĐBSCL hiện nay, diện tích nuôi tôm chừng 620.000ha, nhưng hơn 50% diện tích nuôi bị thiệt hại.

Anh Nguyễn Văn Buội, quyền Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre, cho biết trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm ở tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nguy hiểm gây ra. Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có hơn 3.000ha nuôi tôm thì có gần 1.000ha tôm bị nhiễm bệnh. 


Với công nghệ phòng chống bệnh cho tôm bằng nano bạc, nếu áp dụng ra môi trường nuôi thực tế đạt hiệu quả như trong quá trình thực nghiệm, bà con nông dân nuôi tôm có thể lãi đến bạc tỷ. Với dung dịch nano bạc, Th.S Đặng Thị Mỹ Dung, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết cách sử dụng không phức tạp.

Chủ yếu là xử lý nguồn nước bằng dung dịch nano bạc với một liều lượng nhất định. Các phân tử nano bạc trong nước sẽ bao lấy vi khuẩn và tiêu diệt. Hiện dung dịch nano bạc đang được đăng ký sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Như vậy, sản phẩm có thể ứng dụng ngay vào thực tế với khả năng đáp ứng khoảng 200 lít/ngày. 

Hiện công nghệ nano bạc đang được ứng dụng trên gần 6.000m² ao nuôi tôm tại Trang trại nuôi tôm công nghệ sạch Thái Tuấn (huyện Cần Giờ, TPHCM) và Trại tôm Hoàng Vũ (huyện Bình Đại – Bến Tre). Bước đầu, kết quả đánh giá nước trong ao qua xử lý nano bạc trong hơn, tôm khỏe hơn tôm trong ao đối chứng.

Dự kiến, LNT sẽ phối hợp với Sở KH-CN TPHCM triển khai công nghệ mới tại huyện Cần Giờ để đánh giá mức độ hiệu quả trong môi trường nuôi công nghiệp.

 

Tình trạng tôm chết hàng loạt gây thiệt hại cho nông dân cần sớm tìm cách khắc phục. Nghiên cứu mới này nếu đạt hiệu quả như công bố sẽ giải quyết được mối lo cho cả ĐBSCL. Tuy nhiên, việc đánh giá cần kỹ lưỡng hơn, nhất là quy trình và liều lượng sử dụng thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Trước mắt, nhóm nghiên cứu cần phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh để triển khai thử nghiệm trên một diện tích ao nuôi nhất định trong khoảng 2 – 3 vụ. Nếu thành công mới áp dụng trên diện tích rộng hơn“. GS-TS Nguyễn Văn Hiệu

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status