Tin tức

Năm 2013: Cơ hội cho DN xuất khẩu vẫn còn nhiều

Hiện nay, khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nằm ở khâu phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho xuất khẩu. Nguyên nhân do hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nước ta như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều phải đối mặt với những vấn đề nội tại trong năm 2013.

Mặc dù lãi suất bình quân cho vay đã giảm mạnh xuống còn 12 – 13%/năm nhưng vẫn còn quá cao so với nguồn vốn vay của các doanh nghiệp FDI. Nợ xấu, hàng tồn kho tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Theo ông Trần hữu Phương, Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại Phương Giảng cho biết, trước đây, chúng tôi thường xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, tuy nhiên 2 thị trường này thường đòi hỏi lượng chiếu xạ lớn, trong khi ở Việt Nam thì chỉ có chiếu xạ được khối lượng nhỏ vì vậy chúng tôi muốn có 1 nhà máy chiếu xạ lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các thị trường trên.


“Hơn nữa Mỹ và châu Âu là 2 thị trường hơi khó tính nên hàng xuất sang không được nhiều vì vậy chúng tôi tập trung xuất sang Trung Quốc và Hồng Kông là phần nhiều”, ông Phương nói.


Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho thấy, vẫn còn nhiều thuận lợi và cơ hội cho DN xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013. Đặc biệt, các nước Mỹ, EU và Nhật đều đang tung ra các gói kích cầu giúp nhu cầu tiêu dùng tại các nước này tăng trưởng. Điều đó, gián tiếp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của nước ta.


Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức xúc tiến thương mại, các tham tán thương mại ở ngoài nước cũng đã đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.


“Năm 2013 sẽ tiếp tục những nỗ lực và định hướng chung trong hội nhập quốc tế cho nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Cụ thể là bên cạnh những hội nghị đa phương thì còn chú trọng những đàm phán đơn phương để mở ra những cơ hội thương mại tự do mới thông qua kênh thu hút FDI. Chúng ta đã có những kinh nghiệm cũng như bài học rất tốt trong việc thực hiện các cam kết hội nhập, kể cả những hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.


Riêng với các DN tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013, lãnh đạo thành phố đã hướng đến giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tăng cường đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ để hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả tích cực.


Đơn cử đó là việc sử dụng kênh thông tin từ Cổng thông tin thương mại của thành phố do Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố quản lý. Đây là nơi cung cấp thông tin quan trọng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác.

 

Đặc biệt, hoạt động kết nối thông tin với tham tán thương mại ở những thị trường trọng điểm cũng được mở rộng, nhằm tạo thuận lợi cho các hợp tác quốc tế, tiếp tục kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, thực hiện cơ chế kích cầu và hiện đại hóa công nghệ, máy móc trong sản xuất.


Bà Phó Nam Phượng, GĐ Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tại TP HCM cho rằng, làm sao để sản lượng, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng lên đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới là vấn đề quan trọng nhất.


“Chúng tôi đã làm việc và đặt hàng với các Tham tán từ nước ngoài tại Việt Nam cũng như các Tham tán của Việt Nam ở nước ngoài nhằm giao lưu, đối thoại với các doanh nghiệp về thông tin về các thị trường ngoài nước, đồng thời chia sẻ các phương thức, bí quyết để DN có thể đưa hàng hoá xuất khẩu sang các nước, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm giải phóng hàng tồn kho”, bà Phượng cho hay.


Dự kiến, năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng khoảng 10% so với năm 2012, (đạt khoảng 124,3 tỷ USD), kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 8% kim ngạch xuất khẩu…


Để đạt được mục tiêu này, các tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước cho rằng: bên cạnh sự làm việc hết mình của các tham tán tại các nước bạn, thì để hoạt động xuất khẩu có thể thoát ra khỏi hàng rào thuế quan và phi thuế quan, cần hơn nữa Nhà nước và doanh nghiệp phải có sự hợp tác ở tầm vĩ mô; xây dựng chiến lược đáp ứng được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đặc biệt phải đồng lòng, đồng sức chống lại các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status