Tin tức

Tái cấu trúc DN bắt đầu từ tái cấu trúc vốn

Tình trạng khó khăn về vốn của doanh nghiệp (DN) trong năm 2012 sẽ còn tiếp diễn trong năm nay, mặc dù ngân hàng không thiếu vốn cũng như lãi suất cho vay đã giảm. Hàng loạt DN, từ lĩnh vực bất động sản đến ngành thủy sản, đều gặp khó khăn vì thiếu vốn. 

Tuy nhiên, mấu chốt là, phần lớn khó khăn về vốn của DN không phải do khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, mà xuất phát từ sai lầm về cấu trúc vốn trong thời gian qua.

Trong giai đoạn 2006 – 2010, kinh tế phát triển mạnh, DN huy động vốn rất thuận lợi. Đa số DN đã chọn tăng trưởng bằng việc vay vốn, thay vì có cấu trúc cân đối giữa vốn chủ sở hữu và nợ. Các công ty TNHH thường thích sử dụng vốn vay hơn huy động vốn góp, nhằm đảm bảo quyền làm chủ DN. Hơn nữa, vay vốn được xem là có lợi hơn so với huy động vốn cổ phần, bởi lãi suất vay vốn thường thấp hơn kỳ vọng sinh lời của vốn cổ phần, nên nhiều công ty niêm yết dù đã huy động vốn cổ phần rất lớn, song vẫn huy động thêm nhiều nguồn vốn từ ngân hàng nhằm tận dụng lợi thế của vốn vay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ nợ của DN hiện chiếm bình quân khoảng 70% tổng vốn. Đây là ngưỡng nợ tối đa trong cơ cấu vốn đầu tư của các dự án sản xuất – kinh doanh thông thường. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng vốn của DN, tỷ lệ này chỉ nên ở mức 40 – 50%.

Thực tế đó cho thấy, thời gian gần đây, DN Việt Nam đã sử dụng công cụ nợ vay quá lớn, đến khi các lĩnh vực kinh doanh đi vào giai đoạn bão hoà (như bất động sản), hay khó khăn từ môi trường vĩ mô thế giới (như xuất khẩu thuỷ sản), thì DN không còn năng lực tài chính để chống đỡ, trong khi lãi vay quá lớn có thể đẩy họ đến chỗ phá sản.

Nợ vay với một tỷ lệ hợp lý và tập trung vào các hoạt động kinh doanh tạo ra nguồn thu sẽ giúp DN tăng trưởng, nhưng nếu nợ quá cao sẽ tạo ra chi phí “hao mòn” DN (cost of business erosion) rất nghiêm trọng, làm suy giảm năng lực cạnh tranh, dần dần đẩy DN tới chỗ phá sản.

Theo công trình nghiên cứu tại Mỹ, những công ty có tỷ lệ nợ cao sẽ không dám nắm bắt những cơ hội đầu tư tạo ra sản phẩm mới, do phải ưu tiên vấn đề giảm chi phí. Các DN này còn có xu thế cắt giảm lương, chậm trả nợ nhà cung cấp và giảm chi phí chăm sóc khách hàng. Hậu quả là, DN mất dần khách hàng, nhân viên giỏi và nhà cung cấp tốt. Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh giảm, kéo theo giảm doanh thu và cạn kiệt nguồn tiền.

Như vậy, việc sử dụng cấu trúc vốn sai, vay nợ quá lớn, sau đó cố gắng giải quyết vấn đề nợ trong ngắn hạn đã dẫn tới những hoạt động quản lý sai lầm tiếp theo và làm tăng nguy cơ phá sản của DN.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status