Tin tức

Khai thác lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư

Cà Mau luôn tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của tỉnh ra nước ngoài thông qua các Diễn đàn khu vực và quốc tế cũng như các kênh thông tin khác; hỗ trợ cung cấp thông tin pháp luật, thông tin thị trường, cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh để mời gọi đầu tư.  

Nỗ lực từ xuất phát điểm khó khăn

Tại tỉnh Cà Mau, việc giao đất sạch cho các nhà đầu tư thuê đất còn gặp nhiều bất cập do kinh phí để bố trí cho công tác đền bù giải phóng mặt, bố trí tái định cư hạn chế, dẫn đến thu hút đầu tư chưa đạt kết quả cao. Để khắc phục khó khăn này, bên cạnh những chính sách ưu đãi chung theo quy định, tỉnh Cà Mau còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, đơn giản hoá và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh, đất đai, hưởng ưu đãi về thuế theo quy định… giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin để lựa chọn, quyết định đầu tư; tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến liên hệ tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như triển khai các dự án đầu tư; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt trên lĩnh vực giao thông và đầu tư hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, Cà Mau luôn tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của tỉnh ra nước ngoài thông qua các Diễn đàn khu vực và quốc tế cũng như các kênh thông tin khác; hỗ trợ cung cấp thông tin pháp luật, thông tin thị trường, cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh để mời gọi đầu tư.

Hằng năm, tỉnh đã tích cực xây dựng Danh mục các dự án ưu tiên khuyến khích mời gọi đầu tư làm cơ sở tiếp xúc, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng ban hành Quyết định về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và thống nhất áp dụng trên địa bàn tỉnh (hiện nay đang áp dụng Đơn giá thuê đất theo Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của UBND tỉnh). Mặt khác, tỉnh cũng duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành với các nhà đầu tư; tạo điều kiện tiếp xúc, tư vấn các đoàn khách đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Cà Mau, đồng thời quan tâm đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, kinh tế đối ngoại.

Khai thác lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư

Tỉnh Cà Mau hiện có 3.470 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 14.090 tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký 4 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong 8 tháng đầu năm 2012, có 282 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.796 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2011 có 275 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 869 tỷ đồng). Về thu hút đầu tư, Cà Mau hiện có 132 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 38.993 tỷ đồng (trong đó có 05 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư 9,125 triệu USD). Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 05 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (trong đó 01 dự án FDI), vốn đăng ký đầu tư nhỏ.

Theo kế hoạch, giai đoạn đến năm 2020, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội như sau: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 13,5%; giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 14%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.150 USD và năm 2020 đạt trên 3.000 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể: đến năm 2015, nông nghiệp 30%, công nghiệp – xây dựng 42%, dịch vụ 28%; đến năm 2020, nông nghiệp 19,6%, công nghiệp – xây dựng 43,5%, dịch vụ 36,9%.

Để đạt được các mục tiêu này, Cà Mau đang nỗ lực thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng các KCN, KKT, cụm công nghiệp; đẩy mạnh chế biến hàng thuỷ sản chất lượng cao; sản xuất giống thuỷ sản; nuôi tôm công nghiệp; chế biến thức ăn gia súc gia cầm và thuỷ sản; đầu tư hệ thống du lịch sinh thái.

Các lĩnh vực, ngành nghề được định hướng tập trung phát triển giai đoạn đến năm 2020 của địa phương:

– Đầu tư khai thác cảng Năm Căn, KKT Năm Căn nhằm tăng cường khả năng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp với nước ngoài, khai thác lợi thế của địa phương là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài.

– Đầu tư lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, chế biến cá hộp.

– Đầu tư dịch vụ khai thác dầu khí khu vực thềm lục địa.

– Sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu gỗ điạ phương.

– Đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN, đô thị, công nghệ cao.

– Các ngành công nghiệp có sử dụng nguồn nguyên liệu khí thấp áp.

– Dịch vụ du lịch, cơ sở giáo dục, y tế có chất lượng cao.

– Các dự án thu hút nhiều lao động địa phương.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status