Tin tức

Cạnh tranh thu hút FDI: Cốt lõi là môi trường đầu tư

Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để giải quyết vấn đề này, cốt lõi vẫn là cải thiện môi trường đầu tư.

Kumho Asiana (Hàn Quốc) đang tích cực triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe Kumho Tires (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương) thêm 100 triệu USD. Tuy nhiên, vướng mắc vẫn tồn tại, bởi Kumho Tires đang phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, trong khi theo giấy phép đầu tư ban đầu, thuế suất mà nhà đầu tư được hưởng chỉ là 15%.

 

Bình Dương đã không cho Kumho Tires được hưởng ưu đãi thuế, với lý do chính sách thuế đã thay đổi, cho dù theo quy định của Điều 11, Luật Đầu tư, “trường hợp pháp luật, chính sách mới ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp, mà nhà đầu tư đã được hưởng trước khi quy định của pháp luật, chính sách đó có hiệu lực, thì nhà đầu tư được bảo đảm hưởng các ưu đãi như quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư…”.

 

Một ví dụ mà bà Nguyễn Minh Hiền, Tham tán Đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc viện dẫn để chứng minh cho câu chuyện chính sách pháp luật của Việt Nam tuy tốt, nhưng thực thi rất yếu.

 

Thậm chí, dẫn cả trường hợp Robert Bosch (Đức), đầu tư sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng lại không được hưởng các chính sách ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao, bà Hiền cho rằng, sự yếu kém trong thực thi pháp luật đang khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc lo ngại khi đầu tư vào Việt Nam.

 

Theo bà Hiền, hiện nay, với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Việt Nam không còn là điểm đến hàng đầu, mà là Indonesia, Myanmar. Thêm nữa, chính sách đầu tư của Hàn Quốc cũng đã có nhiều thay đổi, khi Chính phủ sẵn sàng chi 300 triệu USD để thu hút đầu tư từ nước ngoài và cũng móc hầu bao một khoản tiền tương ứng để lôi kéo các công ty Hàn Quốc đã đầu tư ở nước ngoài quay trở về. Tất nhiên, quan điểm của các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn là “ở đâu có lợi nhuận thì ta cứ đi”, nhưng rõ ràng, Việt Nam sẽ không dễ để thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc trong thời gian tới, nếu không có những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ba, Đại diện đầu tư của Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản) cho biết, cạnh tranh thu hút FDI với Indonesia, Thái Lan, và tới đây có thể cả Myanmar, sẽ ngày càng gay gắt hơn.

 

Theo ông Ba, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1, nhưng vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam chưa nhiều, nếu so với các nước xung quanh. Hiện mới có 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, trong khi con số này ở Thái Lan là 7.000, còn ở Trung Quốc là 45.000. Mitsubishi vừa công bố kế hoạch đầu tư thêm gần 33 triệu USD vào nhà máy sản xuất ô tô thứ ba của tập đoàn này ở Thái Lan. Trước đó, Canon, Toyota… cũng đã tuyên bố các kế hoạch đầu tư mới, nhưng điểm đến không phải là Việt Nam.

 

Việc các nhà đầu tư Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho các nước ASEAN, nhưng Việt Nam liệu có tận dụng được cơ hội này hay không? “Cơ hội này sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 3 năm, bởi phần lớn các nhà đầu tư đều muốn làm sao để tới năm 2015 có thể đi vào sản xuất. Họ không có thời gian để chờ đợi, đi nơi này, nơi khác tìm kiếm cơ hội đầu tư nữa, do vậy, từ Trung ương tới địa phương, phải rất quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư thì mới có thể tận dụng được cơ hội này”, ông Ba nói.

 

Một câu chuyện tương tự cũng được ông Giang Thanh Tùng, Đại diện đầu tư ở San Francisco (Mỹ) kể. Theo ông này, đang có một làn sóng đầu tư của Mỹ vào các nước ASEAN, nhưng câu hỏi lại một lần nữa đặt ra là, Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không?

 

Các con số mà ông Tùng đưa ra rất đáng lưu ý. Trong khi nhà đầu tư Mỹ ồ ạt rút khỏi Trung Quốc trong những năm qua, thì ASEAN đang đón sóng lớn từ quốc gia này. Trong 6 tháng đầu năm nay, FDI của Mỹ vào Singapore lên tới 7,3 tỷ USD, gần bằng cả năm 2011 (7,5 tỷ USD); vào Malaysia đạt 2 tỷ USD, gần bằng cả năm 2011; vào Thái Lan, gấp đôi so với năm 2011; vào Indonesia gần bằng cả năm 2011. Trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam lại liên tục sụt giảm và các dự án cũng có quy mô nhỏ. 9 tháng đầu năm, chỉ có vỏn vẹn 94 triệu USD vốn FDI từ Mỹ đổ vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm.

 

“Điều cốt lõi là môi trường đầu tư của Việt Nam. Thực tế là rất nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Việt Nam, nhưng số lượng ở lại đầu tư thì lại khiêm tốn”, ông Tùng nói.

 

Những thông tin mà các vị đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài cung cấp có lẽ không mới, nhưng thêm một lời cảnh báo về việc Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép rất lớn trong cạnh tranh thu hút FDI. Khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục bị giảm điểm trong những năm qua, thì rõ ràng, không có cách nào khác, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ và toàn diện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status