Tin tức

Thị Trường Sữa 8 Tháng 2012 và dự Báo Qúy IV

Đúng như dự báo của Trung Tâm thông tin Công Nghiệp và Thương mại, thị trường sữa và sản phẩm sữa tháng 8 tiếp tục đà xu hướng giá tăng cả trong nước và thế giới. Hiện giá sữa loại III tại Mỹ ở mức 17,67 USD/lb, tăng 6,4% so với giá cuối tháng 7/2012 (17,60 USD/lb).
Tại thị trương Việt Nam, giá sữa nhập khẩu của các Hãng sữa như Abbott, Cô gái Hà Lan, Mead Johnson … tăng và đứng ở mức cao.
Trên thế giới, vụ sữa bẩn gây rúng động tại Đài Loan, khi ba công ty sữa lớn của Đài Loan bị cáo buộc dùng nguyên liệu kém chất lượng và dành cho động vật để sản xuất sữa; Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông (CFS) phát đi thông báo sữa bột TwoBebes Growing up milk 3 loại 900gr dành cho trẻ trên 1 tuổi của Hà Lan có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella; Trung Quốc: Sữa cho trẻ em sơ sinh nhiễm chất gây thư …
Để có cái nhìn cụ thể hơn về thị trường sữa thế giới và trong nước tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012, Phòng tin Kinh tế Thương mại – Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại công bố báo cáo Thị trường sữa tháng 8 và 8 tháng năm 2012, dự báo quý IV/2012 với những nội dung chính sau đây:
I.Diễn biến giá
II. Xu hướng giá thời gian tới
III. Nguồn cung-cầu
IV.Tiêu điểm thị trường trong tháng 8/2012
V. Những tồn tại thị trường sữa trong nước
VI. Một số đề xuất
 

I.Diễn biến giá

 

Giá sữa trên thị trường Mỹ trong tháng 8 tăng so với tháng trước đó. Hiện giá sữa loại III ở mức 17,67 USD/lb, tăng 6,4% so với giá cuối tháng 7 (17,60 USD/lb). Tính chung 8 tháng năm 2012, giá sữa giảm 7,1% so với giá đầu năm 2012 (19 USD/lb). (hình 1)

Hình 1: giá sữa tại Mỹ – ĐVT: USD/lb

 

Giá phomat trên thị trường Mỹ ổn định ở mức giá 1,8350 USD/lb.

Trong phiên đấu giá trực tuyến mới đây của tập đoàn sữa Fonterra đã tăng lần đầu tiên trong hai tháng qua, tăng 3,5% so với hai tuần trước đó trong khi những tác động của hạn hán Mỹ đã thắt chặt nguồn cung toàn cầu. Giá trung bình giao tháng 9 là 2,692 USD/tấn. Chỉ số giá thương mại GDT-TWI tăng vọt lên 7,8% trong phiên đấu giá cuối cùng. Giá trúng trung bình là 3,054 USD.

Giá sữa bột và váng sữa trong tháng 7 tăng tương ứng 7% và 7,3%.  Mức tăng cao nhất trong protein sữa cô đặc là 15,4%.

Tại New Zealand, giá sữa gần đây hồi phục do đợt hạn hán tại Mỹ đã làm tăng giá đậu nành và ngũ cốc –  những nguyên liệu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi bò sữa giá đã tăng mạnh trong những tháng gần đây trên bờ biển phía tây của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 thì giá sữa trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục giảm.

Ngược lại, tại thị trường Việt Nam, giá sữa trong nước tháng 8/2012 vẫn tiếp tục trong xu hướng tăng và đứng ở mức cao.

Các Hãng sữa nhập khẩu như  PediaPlus 900g của Abbott ở mức giá 318.000 đ/hộp; EnPlus 900g có giá 363.000 đ/hộp; 540.000đ/hộp loại Enfagrow Premium, Unflavored Powder 680 g của MeadJohnson. (Hình 2)

Sữa tươi của các công ty ty sữa sản xuất trong nước như Vinamilk, TH.Trumilk, sữa tươi Mộc Châu, Cô gái Hà Lan… có giá 6.000-7.000 đ/hộp 180 ml .

Hình 2: Giá sữa bột tại Việt Nam

 

 

II. Xu hướng giá thời gian tới

 

Theo Báo cáo của Ngân hàng dự trữ liên bang Kansas City (Mỹ) công bố mới đây, vào năm 2013, người Mỹ sẽ phải đối mặt với hiện tượng tăng giá lương thực – hệ quả trực tiếp do đợt hạn hán nặng nề nhất vừa xảy ra, tuy nhiên mức độ tác động sẽ vẫn còn khiêm tốn.

Đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra vừa qua đã làm sụt giảm sản lượng ngô và đậu tương, từ đó làm tăng giá của các mặt hàng này trên thị trường. Vào năm 2013, giá của các mặt hàng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 4%.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng thông báo cho biết, lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, sản lượng ngô gieo trồng trong vụ mùa năm nay đã xuống tới mức thấp nhất, dưới ngưỡng 280 triệu tấn và số lượng tạ ngô thu được trên mỗi hecta gieo trồng cũng ở mức thấp nhất kể từ 17 năm trở lại đây.

Sản lượng đậu nành cũng ở mức thấp nhất kể từ 5 năm trở lại đây.

Hạn hán cũng sẽ ảnh hưởng tới giá của các sản phẩm thịt và sữa, khi hơn 70% gia súc trong các bang của Mỹ đều có nguy cơ thiếu thức ăn nghiêm trọng do các đồng cỏ bị hủy hoại bởi hạn hán.

Các nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi bò sữa đều tăng, cụ thể như: Tại Chicago, giá ngô và đậu tương đều tăng gần 2% bởi khô hạn ở khu Trung Tây nước Mỹ vẫn chưa qua đợt hạn hán tồi tệ nhất hơn nửa thế kỷ.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12 tại Chicago tăng 1,8% lên 8,22-1/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ 10/8. Đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 1,6% lên 16,72-3/4 USD, mức cao nhất kể từ 23/7;  giá lúa mì tăng phiên thứ 3 liên tiếp bởi lo ngại về sản lượng khu vực Biển Đen và kể cả của Australia. Những nỗ lực mới nhất của bộ trưởng Nông nghiệp Nga nhằm giảm bớt lo ngại về khả năng nước này sẽ tái áp đặt một lệnh cấm xuất khẩu như năm 2010 cũng không thể dập tắt dự đoán Moscow có thể hạn chế cung cấp.

Lúa mì kỳ hạn tháng 9 giá tăng 12-3/4 cents, hay 1,5% lên 8,74-1/2 USD/bushel. Đậu tương tăng 1,3 bởi nhu cầu mạnh.

Trong quý IV/2012, giá sữa trên thế giới được dự kiến sẽ tăng lên đến 17% và trong tương lai, sữa loại III và loại IV được dự báo có thể đạt ở mức giá 19-20 USD/cwt. Năm 2012, giá sữa được dự báo tăng lên mức 17,55-17,75 USD/cwt và 17,80-18,80 USD/cwt vào năm 2013. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn thấp hơn giá 2011 là 20,14 USD/cwt.

Đối với thị trường Việt Nam, kể từ đầu năm cho đến nay, giá sữa trong nước luôn đi ngược chiều so với giá thế giới. Các công ty sản xuất trong nước chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Sắp tới đây, mùa tựu trường, Tết Trung Thu nhu cầu sử dụng mặt hàng này sẽ tăng và giá sẽ vẫn đứng ở mức cao.

III. Cung-cầu

Sản xuất sữa thế giới 7 tháng đầu năm 2012 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ở khu vực Châu Á, Châu Úc và Nam Mỹ. (hình 3)

    Hình 3: Sản xuất sữa tại Mỹ

Tháng 7/2012, sản lượng sữa tại 23 bang lớn của Hoa Kỳ đạt 1.550000000 Bảng Anh, tăng 0,8% so với tháng 7/2011. Số lượng bò sữa ở các trang trại lớn trong 23 bang này là 8,5 triệu con, hơn 41.000 con so với tháng 7/2011, nhưng ít hơn 7.000 con so với tháng 6/2012.

 Sản xuất sữa thế giới trong năm 2012 được dự báo sẽ tăng khoảng 2,6% – 2,7% so với năm 2011, chủ yếu là ở Châu Á. Tại Ấn Độ – quốc gia sản xuất sữa lớn nhất thế giới, mùa vụ 2011/2012 sản lượng sữa được dự báo tăng thêm 5,2 triệu tấn và ước đạt 127 triệu tấn trong năm 2012. Sản lượng sữa cũng như nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng gia tăng ở một số nước khác ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2012 được dự báo là năm mà sản xuất sữa thế giới hồi phục sau một năm suy giảm (năm 2011) do tình trạng hạn hán kéo dài ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Sản lượng sữa bò thế giới ước đạt 461,382 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2011. Tại nhiều quốc gia trên thế giới sữa dê, sữa cừu …cũng được sử dụng cùng với sữa bò, với sản lượng năm 2012 vào khoảng 32,320 triệu tấn, chiếm 6,5% tổng khối lượng sữa tươi thế giới. Lượng sữa tươi này sẽ góp phần tăng sản lượng các sản phẩm sữa.

Đường sữa là mặt hàng thông dụng ở Indonesia, với mức tiêu thụ tính trên đầu người mới chỉ 2,7 kg/năm, tức thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 17 kg/năm của khu vực. Doanh số bán sữa bột và sữa tươi ở quốc đảo này đã tăng 9% trong năm năm qua, mức tăng nhanh thứ hai ở châu Á (sau Trung Quốc), đưa quốc đảo này trở thành thị trường tiêu thụ tới 3,7 tỷ USD sản phẩm sữa các loại.

Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng toàn cầu như Nestle và Procter & Gamble đang đầu tư hàng triệu USD vào Indonesia, một thị trường có sự kế hợp lợi thế giữa tầng lớp giàu có và một lực lượng thanh niên ngày càng đông đảo ở một quốc gia có tới 22 triệu trẻ em từ 4 tuổi trở xuống.

Các bà mẹ ở một số địa phương của Indonesia thường cho trẻ sơ sinh ăn chuối hoặc thịt bò hầm thay vì sữa tươi, vốn có chi phí vận chuyển khá đắt ở một quần đảo nhiệt đới với hệ thống đường sá và cảng biển vẫn cần được nâng cấp và phát triển.

Quy mô thị trường rộng lớn và lực lượng dân số trẻ tại Indonesia hứa hẹn tiềm năng lớn cho các sản phẩm tiêu dùng.

Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tin rằng tất cả những gì mà Indonesia cần là thời gian và một chút hoạt động tiếp thị cho các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu của nước này đang mong muốn học theo phong cách tiêu dùng của phương Tây.

Năm 2011, Nestle đã đầu tư 200 triệu USD để có thể bắt đầu sản xuất sữa bột và thức uống Milo vào năm 2014, trong khi hãng sữa Fonterra của Niu Dilân sẽ đầu tư vào một nhà máy đóng gói mới. Giám đốc chi nhánh Fonterra tại Indonesia, Maspiyono Handoyo, cho biết với nhu cầu được dự đoán sẽ tăng khoảng 50% trong vòng 8 năm tới, Indonesia sẽ là thị trường chủ chốt đối với hãng. Công ty thực phẩm Indofood Sukses Makmur của Indonesia- nhà sản xuất mì sợi lớn nhất thế giới – sẽ xây dựng nhà máy sản xuất sữa trị giá 130 triệu USD trên đảo Java có mật độ dân số đông. Công ty hiện chiếm 14% thị phần tại thị trường sữa Indonesia và muốn hợp tác với một đối tác toàn cầu để giành thị phần lớn hơn từ tay Nestle.

Sau vụ xì-căng-đan về sữa trẻ em tại Trung Quốc, lòng tin của người dân nước này vào các sản phẩm sữa nội rơi vào khủng hoảng.

Sự suy giảm lòng tin vào các sản phẩm sữa nội vô hình trung lại tạo cơ hội cho các thương hiệu ngoại làm mưa làm gió ở Trung Quốc. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy thị phần hiện tại dành cho các nhãn hiệu sữa ngoại là khoảng 60%. Ở thị trường cao cấp tỉ lệ đó lên tới 90%. Các thống kê thị trường cho thấy các sản phẩm sữa ngoại thường được bán ở mức 200 đến 400 NDT một hộp, cao gấp 2 đến 3 lần so với các sản phẩm nội. Tổng tỉ lệ lợi nhuận của sữa ngoại lên tới từ 80 đến 100% trong khi với các sản phẩm nội, tỉ lệ đó chỉ là 40%.

Tại Việt Nam mặc dù Quý II, hầu hết các ngành công nghiệp, chế biến “hàng chất đầy kho”, riêng ngành sữa vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng 19,9%. Hiện nay sản phẩm sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao trong ngành thực phẩm ở Việt Nam. Tháng 7 sản lượng sữa bột ước đạt 5,6 nghìn tấn, tăng 8,2% so với tháng 7/2011. Tính chung 7 tháng, sản lượng sữa bột ước đạt 43,5 nghìn tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng ổn định là do thị trường tiêu thụ sữa lớn, nguồn nguyên liệu đa dạng. (Hình 4)

Hình 4: Tình hình sản xuất sữa bột (Tháng 8: con số ước tính)

 

Theo quy luật thị trường, khi giá tăng thì cầu giảm. Thế nhưng, với thị trường sữa bột ở Việt Nam, dù giá tăng liên tục trong những năm qua vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm của cầu, lượng tiêu thụ sữa bột không hề giảm. Theo thống kê của Giám đốc Chương trình Nuôi dưỡng và Phát triển tại Việt Nam: lượng sữa bột tiêu thụ ở Việt Nam đã tăng 17%/năm.

Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa trên thế giới, mỗi năm phải nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại.

Hiện nay, sữa bột nhập khẩu chiếm thị phần khá lớn trên thị trường, chiếm khoảng 72%. Có 4 hãng sữa lớn của nước ngoài chiếm trên 60% tổng thị phần sữa Việt Nam đó là Dutch Lady, Abbott, Nestle và Mead Johnson.

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 595,4 triệu USD sữa và sản phẩm tăng 16,1% so với cùng kỳ này năm trước. Tuy nhiên, nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 7/2012 lại giảm 12,4% so với tháng trước đó, tương đương với 66,9 triệu USD. (Hình 5)

Hình 5: Kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm

(Tháng 8: con số ước tính)

Về thị trường nhập khẩu, trong số 13 thị trường chính Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm trong thời gian này, thì Niudilân vẫn là thị trường chính cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam chiếm 29% tỷ trọng, với kim ngạch 145,8 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. (hình 6)

Hình 6: Nhập khẩu sữa từ thị trường Niudilân

 

Tuy đứng thứ hai về kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm trong 7 tháng đầu năm nay, nhưng nhập khẩu mặt hàng này từ Hoa Kỳ trong thời gian này lại giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, giảm 33,6% so với 7 tháng 2011, tương đương với 82,27 triệu USD, chiếm 17% tỷ trọng.

Ngoài hai thị trường chính là Niudilând và Hoa Kỳ, Việt Nam còn nhập khẩu từ sữa và sản phẩm từ các thị trường khác nữa như: Hà Lan, Đức, Pháp, Thái Lan, Malaixia, Đan Mạch và Ba Lan (Hình 7).

Hình 7: Cơ cấu thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm

 

Hiện tại nguồn cung sữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu tiêu dùng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính năm 2011 tổng đàn bò sữa sẽ đạt số lượng 155 nghìn con, cho sản lượng sữa đạt 330 nghìn tấn. Kế hoạch đến năm 2015 tăng đàn bò sữa lên 263 nghìn con và khối lượng sữa sẽ đạt 653 nghìn tấn.

Hiện đã có những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu, cả đầu tư công và tư nhân đều được kỳ vọng sẽ dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng sữa trong các năm tiếp theo, khi các dự án đầu tư tập trung vào các trang trại mới với quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn.

Dự án lớn nhất hiện nay là của hai Công ty cổ phần TH Milk và Vinamilk… Riêng TH Milk sẽ đầu tư 1,2 tỷ USD cho đến năm 2017. Đến nay, dự án của công ty này đã có 10.000 con bò sữa cho sữa. Theo dự kiến, số lượng bò sữa của dự án này sẽ tăng lên 45.000 con vào tháng 7-2012, trong đó có trên 30.000 con đã sẵn sàng cho sữa. Và sẽ có 137.000 con vào năm 2017, trong đó 70% sẵn sàng cho sữa và nhà máy sẽ đưa ra thị trường 500 triệu lít sữa chất lượng cao mỗi năm, đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi của Việt Nam.

Mới đây, ngày 29/7/2012, Vinamilk đã khởi công xây dựng nhà máy sữa Lam Sơn tại Thanh Hoá với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 276 tỷ đồng; công suất thiết kế khoảng 156 triệu hũ sữa chua ăn/năm, 60 triệu lít sữa tiệt trùng/năm.

Nhà máy được đầu tư nhằm mở rộng nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ cho các thị trường Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30/4/2013.

Hiện tại các sản phẩm sữa chua của Vinamilk chiếm trên 90% thị phần sản lượng, đang dẫn đầu thị trường về sản lượng trong ngành sữa chua ăn tại thị trường Việt Nam. Sữa nước của Vinamilk cũng chiếm trên 50% thị phần với nhiều sản phẩm phong phú.

Vinamilk hiện có 1 nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 10 nhà máy sản xuất sữa hiện đại từ Bắc vào Nam và đã chạy hết 100% công suất.

Để đạt kế hoạch chiến lược đến năm 2017 sẽ trở thành 1 trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới, Vinamilk sẽ có thêm 3 nhà máy mới hoạt động từ năm nay với tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.

Nhà máy thứ nhất là nhà máy Dielac 2 (vận hành quý I/2013) ở khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore mà Vinamilk đã mua lại của công ty F&N. Nhà máy thứ hai ở Đà Nẵng chuyên sản xuất sữa tươi, sữa chua đi vào hoạt động tháng 8.2012. “Siêu nhà máy” thứ ba (vận hành quý I/2013) ở Bình Dương cho 400 triệu lít sữa tươi/năm, công suất tương đương gần 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại. Nhà máy này hoàn toàn tự động hóa, với vận hành của robot.

Tuy nhiên, sữa sẽ vẫn là mặt hàng khan hiếm tại Việt Nam trong các năm tới, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng và vượt quá khả năng cung ứng trong nước. Cho dù sản lượng sữa nội địa có tăng gấp đôi vào năm 2017 thì sữa nhập khẩu vẫn chiếm thị phần lớn.

IV. Tiêu điểm thị trường sữa tháng 8 năm 2012

Sữa bẩn tại Đài Loan

Một vụ sữa bẩn gây rúng động Đài Loan, khi ba công ty sữa lớn của Đài Loan bị cáo buộc dùng nguyên liệu kém chất lượng và dành cho động vật để sản xuất sữa.

Các cơ quan chức năng đã thu giữ 20 tấn sữa bột kém chất lượng và tiếp tục tìm kiếm 10 tấn sữa không đảm bảo an toàn đang được tiêu thụ trên thị trường. Loại sữa bột này được mua từ nhân viên của công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa New Tai Milk Products. Loại sữa này được trộn hỗn tạp lượng nhỏ bột sữa, chất tạo hương vị, chất tạo màu với giá rẻ chỉ bằng 30-50% giá thị trường. Loại sữa dê tạp chất này được bán cho cửa hàng ăn sáng và trường học.

Sữa bột TwoBebes Growing-up milk 3 bị nghi nhiễm khuẩn

Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông (CFS) phát đi thông báo sữa bột TwoBebes Growing up milk 3 loại 900gr dành cho trẻ trên 1 tuổi của Hà Lan có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella.

Theo các cơ quan chức năng thì sữa TwoBebes Growing up milk 3  đã được xuất khẩu sang Hồng Kông thông qua nhà nhập khẩu PrizeMart. CFS khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ dùng loại sữa trên, đồng thời thu hồi sản phẩm trên. Các trung tâm thương mại cũng như các cửa hàng bán lẻ  cũng nhận được thông báo ngừng bán các sản phẩm này.Các nhà nhập khẩu cũng cam kết sẽ bàn giao các nguồn hàng còn lại để tiêu huỷ.

Cho đến nay, CFS chưa nhận được bất cứ báo cáo cũng như khiếu nại nào của người dùng về tình trạng sức khỏe sau khi tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, CFS vẫn khuyến cáo người dùng nên tìm đến các trung tâm y tế uy tín nếu cảm thấy có vấn đề về sức khỏe sau khi sử dụng sản phẩm.  

Ngay khi nhận được thông tin về tình trạng mất an toàn của sữa TwoBebes Growing-up milk 3, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam đã nhanh chóng rà soát các loại thực phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam thời gian gần đây và đưa ra kết luận Cục chưa cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn để nhập khẩu nhãn sữa trên. Tuy nhiên, thật khó để có thể nói loại sữa này không có ở Việt Nam bởi trên thị trường vẫn bán đủ loại sữa của nước ngoài dưới dạng hàng xách tay mà ít được kiểm soát.

Trung Quốc: Sữa cho trẻ em sơ sinh nhiễm chất gây thư

Một công ty sữa của Trung Quốc đang tiến hành thu hồi một số sản phẩm sữa bột trẻ sơ sinh sau khi nhà chức trách phát hiện thấy chất độc có khả năng gây ung thư trong các loại sữa này.

Theo tờ Wall Street Journal, vụ việc đã một lần nữa cho thấy những thách thức nan giải của Trung Quốc trong việc cải tổ ngành công nghiệp sữa dính quá nhiều bê bối của nước này.

Theo phát hiện của Sở Thương mại Quảng Châu, 5 lô sữa này có chứa hóa chất aflatoxin có khả năng gây ung thư. Nhà chức trách Quảng Châu đã mở một cuộc điều tra và yêu cầu thu hồi lô sữa nói trên tại địa phương này. Tuy không nêu rõ nguồn gây nhiễm độc, nhà chức trách cho rằng, sản phẩm sữa có thể bị nhiễm hóa chất trong quá trình đóng gói, do ô nhiễm hoặc cất giữ không đúng cách.

Sữa Morinaga của Nhật nghi bị thiếu I ốt

Thông tin hai loại sữa Nhật Bản là Wokodo và Morinaga thiết iốt, có thể gây hại cho sự phát triển não bộ của trẻ xuất hiện trên các báo Hong Kong ngày 9/8. Theo cơ quan chức năng nước này, có khoảng 2.000 trẻ bị ảnh hưởng sau khi dùng sữa Wakodo và Morinaga trong thời gian dài. Kết quả xét nghiệm tại Hong Kong cũng cho thấy hàm lượng iốt trong các sản phẩm của hai nhãn sữa này chưa bằng 1/3 mức quy định của WHO.

Phía Morinaga Việt Nam cũng cho biết, sản phẩm sữa tại Việt Nam được tăng cường thêm một số thành phần như sắt, kẽm, iốt… để phù hợp với nhu cầu trẻ em. Cụ thể, hàm lượng iốt trong tất cả các sản phẩm sữa Morigana phân phối tại Việt Nam đều cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tập đoàn này cũng khẳng định cam kết tuân thủ các quy định của WHO và pháp luật Việt Nam. Do đó, sản phẩm phân phối và tiêu thụ tại Việt Nam hoàn toàn đạt tiêu chuẩn.

Sữa Abbott thâu tóm nhà phân phối 3A

Theo đánh giá của Abbott, Công ty 3A đã là đối tác của Abbott tại Việt Nam hơn 18 năm và luôn hoàn thành tốt vai trò là nhà phân phối, tiếp thị sản phẩm sữa Abbott tại thị trường Việt Nam, nhờ vào đội ngũ nhân viên hoạt động chuyên nghiệp…Chính vì vậy, Abbott được biết đến tại Việt Nam không đơn thuần chỉ là nhà cung cấp các sản phẩm sữa, mà còn là thương hiệu thực phẩm, dược phẩm có tiếng…. Tuy nhiên đã đến lúc sự hiện diện của Abbott tại Việt Nam cần thay đổi về chât và việc sáp nhập 3A vào Abbott nhằm để Abbott chủ động hơn trong việc triển khai kinh doanh tại đây. Đó là bước đi cần thiết, Ramachandran Rajamanickam , Phó Chủ tịch Abbott Nutrition khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết.

Giám đốc Công ty 3A cho biết, với việc mua lại 3A, Abbott sẽ có 2.100 nhân viên bán hàng ở Việt Nam, song 3A vẫn sẽ giữ lại tên mình và tiếp tục làm việc với đội ngũ quản lý như trước.

V. Những tồn tại thị trường trong nước

 

Các doanh nghiệp trong nước vẫn bị lép vế với các tập đoàn nước ngoài. Việc đẩy mạnh phát triển nguồn sữa tươi được chú trọng hơn, trong khi phân khúc sữa bột vẫn đang nằm trong tay các nhà sản xuất nước ngoài.

Nguồn nguyên liệu thức ăn để chăn nuôi bò sữa vẫn phải nhập khẩu chiếm 80% nên phụ thuộc rất nhiều vào biến động giá thế giới, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Quản lý hàng nhập khẩu tiểu ngạch mặt hàng này còn lỏng lẻo.

Thị trường sữa nhập khẩu vàng – thau lẫn lộn. Thông tin về một số sản phẩm của hai nhãn hiệu sữa Nhật Bản là Wakodo và Morinaga có hàm lượng iốt thấp dưới mức quy định vừa bị Hồng Kông (Trung Quốc) thu hồi, đã khiến các bà mẹ nuôi con nhỏ tại Việt Nam hoang mang. Khảo sát thị trường sữa bột trẻ em ngày 20.8 tại Hà Nội, hầu hết các cửa hàng, đại lý sữa đều có bán hai loại sữa nói trên.

Sữa Wakodo loại 300gr với giá 274.000đ/hộp và được người bán gọi đây là “hàng xách tay”.  Sữa Wakodo xách tay có giá cao hơn sữa nhập chính thức 100.000đ/hộp loại 900gr (655.000đ/hộp). So với các loại sữa bột nhập khẩu từ Australia, Mỹ, Đức… hai loại sữa này có mức giá “mềm ” hơn.

Đối với hai dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường VN, Hãng Morinaga cho biết tuân thủ đầy đủ các quy định của FAO/WHO về thành phần dinh dưỡng, kể cả hàm lượng iốt. Hai dòng sữa này cũng đã được Bộ Y tế VN cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 28.7.2010.

Quy mô hộ chăn nuôi bò sữa còn nhỏ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào (mua hoặc nhập khẩu) và cỏ khô chất lượng thấp.

VI. Một số đề xuất

Để giành lại lòng tin của người tiêu dùng, các nhà sản xuất sữa cần tiến hành qúa trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, thậm chí là mời một tổ chức giám sát độc lập để giám sát toàn bộ qúa trình sản xuất và phân phối làm sao để đảm bảo tính minh bạch trong thông tin đối với công chúng.

Các doanh nghiệp, công ty cần hướng vào việc phát triển vùng nguyên liệu nhằm tự chủ dần nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Bằng cách có chiến lược đầu tư vào các trang trại bò sữa, đào tạo và đầu tư các cán bộ kỹ thuật và đặc biệt là các giống bò sữa.

Tăng năng suất của quy mô chăn nuôi hộ để cung cấp sữa có chất lượng.

Nhà nước cần hỗ trợ tăng lợi nhuận của người sản xuất bằng thức ăn chăn nuôi phù hợp, phát triển thể chế nhằm kiểm soát chất lượng sữa (Hiệp hội sữa), cung cấp thông tin (kỹ thuật, thị trường…) thông qua việc tiếp cận với các hệ thống thông tin ngành sữa cấp quốc gia và cấp vùng. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng các chương trình hành động quốc gia trên cơ sở của chiến lược quốc gia để khuyến khích khu vực nhà nước và tư nhân đầu tư vào ngành sữa.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status