Tin tức

Đầy ắp cơ hội đầu tư

Nhiều lĩnh vực sẽ mở cửa Tại Hội nghị Đầu tư Myanmar do Công ty Irving Seminar & Training phối hợp tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, Myanmar không chỉ nổi lên là một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn là đối tác hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Robert Easson, Giám đốc của Imagino Group có 19 năm kinh nghiệm tại Myanmar cho biết, lợi thế lớn nhất của Myanmar trong thu hút đầu tư là nhiều lĩnh vực hoàn toàn sơ khai và có nguồn nhân lực rẻ, 62% dân số trong độ tuổi lao động, rất nhiều người biết tiếng Anh. Ngoài ra, nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Myanmar rất phong phú, đặc biệt là tài nguyên để phát triển ngành nông nghiệp.

 

Một thuận lợi khác với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn làm ăn tại Myanmar là Myanmar và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác và thương mại song phương, với mục tiêu đạt 500 triệu USD vào năm 2015.

 

Ông Christopher Muessei, Luật sư của Văn phòng Luật VDBI Loi khẳng định, các bước mở cửa thị trường ban đầu ở Myanmar hiện rất giống Việt Nam trước đây. Những lĩnh vực có tiềm năng đầu tư tại Myanmar là dầu khí, năng lượng, khai thác mỏ, khách sạn và du lịch, sản xuất, bất động sản, xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và thông tin, nuôi trồng thủy sản.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thận trọng với các yếu tố luật pháp và chế tài pháp lý quốc tế liên quan. Hiện tại, Đề án Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar đã được Quốc hội nước này thông qua, nhưng chưa được Tổng thống phê chuẩn để chính thức áp dụng. Vì vậy, chưa có thông tin rõ ràng về lĩnh vực nào sẽ được mở cửa rộng rãi tại Myanmar. Tuy vậy, theo ông Robert Easson, rất có thể, các lĩnh vực thông tin, tài chính, nông nghiệp, dầu khí sẽ được Nhà nước Myanmar bảo hộ, còn lĩnh vực công nghệ – thông tin sẽ được mở cửa 100% cho nhà đầu tư nước ngoài. 

 

Tài chính sẽ thông thoáng hơn

 

Trong lĩnh vực tài chính, Myanmar hiện chỉ cho phép ngân hàng nước ngoài thành lập văn phòng đại diện. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã mở văn phòng đại diện tại Myanmar. Lĩnh vực bảo hiểm hiện chưa được mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong vòng 3 năm tới tại quốc gia này.

 

Ông Robert Easson cho biết, việc chuyển tiền ra vào Myanmar giống như Việt Nam hồi chưa mở cấm vận, nhưng có 7 công ty lớn đang tiến hành các bước chuẩn bị cho hoạt động tại Myanmar. Vì vậy, những khó khăn trong việc chuyển tiền vào Myanmar sẽ sớm được cải thiện và thông thoáng hơn.

 

Đặc biệt, Myanmar đã không còn chính sách “tỷ giá kép” và quan trọng hơn là các nhà đầu tư nước ngoài có thể không cần phải đổi ra đồng nội tệ vì giao dịch bằng USD ở Myanmar khá phổ biến.

 

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), khi làm ăn tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các đối tác. Hiện có một số công ty  của Myanmar bị Mỹ và EU phong toả tài sản, nên không thể thanh toán qua ngân hàng với các đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên xuất, nhập khẩu hàng hoá với các công ty này, vì có thể bị mất tiền hoặc hàng hoá.

 

Một lưu ý khác là do phong tục, thị hiếu tiêu dùng khác nhau, nên cùng một mặt hàng, các doanh nghiệp có thể thành công ở thị trường này, nhưng lại không thành công ở thị trường khác. Vì vậy, nhà sản xuất Việt Nam cần nắm kỹ thị hiếu của người Myanmar để đưa ra công thức sản xuất hoặc quy cách sản phẩm phù hợp.

 

Chẳng hạn, người tiêu dùng Myanmar thích hoa quả, bánh kẹo có vị ngọt đậm, hơi cay, không có vị chua. Trong khi thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU đều thích mặc quần bò, áo phông, thì người Myanmar thường mặc Loongyi (một tấm vải quấn quanh người)

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status