Tin tức

Khơi luồng sông Hậu bằng cơ chế BT

Việc “mở cửa” cho tàu biển vào sâu nội địa Đồng bằng sông Cửu Long qua luồng sông Hậu sẽ sớm được khởi động lại, với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua hình thức hợp đồng BT.

Trong chuyến khảo sát thực địa được thực hiện vào giữa tuần trước tại Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu – một trong những công trình mở luồng hàng hải lớn nhất hiện nay ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định, thay vì chờ đợi nguồn vốn trái phiếu chính phủ hoặc ngân sách nhà nước được cấp nhỏ giọt hàng năm, dự án này sẽ được tái khởi động trong thời gian sớm nhất bằng hình thức hợp đồng BT, với thời gian hoàn vốn bắt đầu sau năm 2020.

 

“Hình thức đầu tư theo hợp đồng BT là lối ra có tính khả thi nhất cho công trình được Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2014 này”, ông Thăng cho biết.

 

Trước đó, chủ đầu tư dự án là Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, phương án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cho Dự án đã bị loại trừ, do khó thu hút doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư.

 

Ngoài việc luồng hàng hải sông Hậu là dự án đầu tư công, mức thu phí qua luồng (phí bảo đảm hàng hải, phí trọng tải) thấp do phải hài hòa bài toán đảm bảo không tạo nên sức ép quá lớn về chi phí vận tải cho hàng xuất – nhập khẩu của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nên không thể đảm bảo điều kiện thu hồi vốn cho Dự án.

 

Được biết, chủ đầu tư dự án đang phải chịu sức ép rất lớn bởi thời gian thi công không còn nhiều, trong khi từ giữa năm 2010 tới nay, công trình trọng điểm quốc gia sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đã đứng lại chỉ sau hơn 1 năm thi công do không được bố trí vốn. Tính đến cuối tháng 8/2012, Gói thầu 6A (nạo vét kênh Tắt) – gói thầu xây lắp duy nhất được triển khai thi công mới đạt khoảng 49% (khoảng 300 tỷ đồng). Thông tin từ đơn vị thi công Gói thầu 6A, tổng khối lượng đã nghiệm thu lên phiếu giá chưa được chủ đầu tư thanh toán đã lên tới 100 tỷ đồng.

 

Đáng lưu ý là, sức ép đối với các đơn vị liên quan ngày một lớn hơn, khi tổng mức đầu tư xây dựng công trình hiện đã lên tới 10.041 tỷ đồng, tăng gần 6.900 tỷ đồng so với phương án đầu tư được phê duyệt năm 2006.

 

“Việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng công trình là điều bất khả kháng do Dự án phải bổ sung một khối lượng lớn công việc để phù hợp với Dự án Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải”, ông Trịnh Ngọc Thái, Giám đốc Ban quản lý Dự án hàng hải III cho biết.

Bên cạnh lý do nêu trên, yếu tố trượt giá, thay đổi chế độ, chính sách cũng góp phần “đội” chi phí Dự án lên 3.104 tỷ đồng.

 

Theo các chuyên gia, ngay cả khi tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, đây vẫn được coi là giá “chấp nhận được”, nếu so sánh với những hiệu quả kinh tế – xã hội to lớn mà công trình mở luồng này mang lại.

 

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trung bình mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long xuất – nhập khẩu từ 9 đến 12 triệu tấn hàng hoá bằng đường biển. Trong đó, lượng hàng hoá được xuất khẩu từ các cảng trong vùng chỉ chiếm khoảng 30%. Số còn lại chủ yếu vẫn phải thông qua các cảng biển TP.HCM và Vũng Tàu, với chi phí tăng thêm do vận chuyển bằng đường bộ từ 10 – 15 USD/tấn.

 

Quá trình vận chuyển bằng đường bộ làm giảm chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản và làm gia tăng tình trạng quá tải trên hệ thống giao thông đường bộ phía Nam. Vì vậy, việc mở luồng tàu biển qua sông Hậu sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị cạnh tranh cho hàng hóa tại vùng châu thổ sông Mê Kông.

 

“Cục Hàng hải Việt Nam phải sớm thuê tư vấn Bộ Xây dựng thẩm tra lại dự toán điều chỉnh và xây dựng phương án chuyển hình thức đầu tư trình Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm kêu gọi các nhà đầu tư tham gia theo hình thức BT”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status