Tin tức

Tụt hạng năng lực cạnh tranh

Lần thứ ba liên tiếp, Việt Nam tụt hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012-2013, theo xếp hạng mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), với sự thụt lùi khá mạnh (10 bậc, từ vị trí 65 xuống vị trí 75/142 quốc gia được xếp hạng). Đây là một lời cảnh báo về năng lực cạnh tranh của nước ta.

Như vậy, sau bản Báo cáo năm 2010-2011 của WEF, với kết quả đầy ngoạn mục là thăng hạng từ 75 lên 59, thì chỉ sau 3 năm, Việt Nam lại quay trở về với vị trí cũ (75) của năm 2009 – 2010. Ba năm, tổng cộng Việt Nam đã tụt 16 bậc. Rõ ràng, những cố gắng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong 3 năm qua dường như chưa mang lại kết quả mong muốn.

 

Điều đáng quan tâm nữa là, trong 12 tiêu chí đánh giá về năng lực cạnh tranh, Việt Nam tụt hạng tới 9 tiêu chí. Trong đó, đặc biệt hơn cả là tụt tới 41 bậc về môi trường kinh tế vĩ mô, xuống vị trí thứ 106 sau khi tăng 20 bậc vào năm 2011. Con số này, có lẽ đã cho thấy rất nhiều điều.

 

Câu chuyện còn nằm ở chỗ, với sự tụt hạng này, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ còn đứng trên Campuchia (85) và Đông Timor (136) (Lào và Myanmar chưa có tên trong bảng xếp hạng). Philippines thậm chí đã thay thế vị trí 65 năm ngoái của Việt Nam. Trong khi đó, Indonesia giữ vị trí 50, Thái Lan 38, Brunei 28, Malaysia 25 và Singapore đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng của WEF. Nhìn vào bảng xếp hạng, có thể thấy sự đuối sức của Việt Nam trong cạnh tranh với các quốc gia láng giềng.

 

Cũng cần phải nhắc lại rằng, kể từ khi chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới (năm 2008) đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và cũng đã rất nỗ lực để vượt khó, ghi nhận những thành quả tích cực. Song một câu hỏi luôn được đặt ra, đó là vì sao, cùng chịu tác động của khủng hoảng, nhưng nhiều nước láng giềng ít bị bất ổn vĩ mô hơn Việt Nam.

 

Tăng trưởng kinh tế cũng tương tự, ngay cả các nước như Lào, Campuchia đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng khá cao, thì 3 năm nay Việt Nam chỉ đạt con số 5-6%. Trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia, Malaysia… tăng trưởng mạnh, thì dòng vốn FDI vào Việt Nam suy giảm… Những tác động khách quan từ bên ngoài là không thể phủ nhận, nhưng rõ ràng, sự suy giảm nói trên còn do những yếu kém trong nội tại nền kinh tế Việt Nam và sự kém hiệu quả trong điều hành thực thi chính sách.

 

Không chỉ tụt hạng về năng lực cạnh tranh theo báo cáo của WEF, gần đây, Việt Nam cũng liên tiếp tụt hạng trong các báo cáo của UNCTAD, A.T Kearney… về mức độ hấp dẫn đầu tư, hấp dẫn thị trường… Tất cả những xếp hạng này, dù chỉ mang tính chất tham khảo, song cũng giúp chúng ta nhìn lại mình để tiếp tục cải cách và đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…, nếu không muốn bị tụt hậu.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status