Tin tức

Đánh giá khả năng xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản trong tháng 8/2012

1 Đánh giá đối với từng mặt hàng:
+ Mặt hàng gạo:
Hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại bởi một số yếu tố sau:
– Thứ nhất, xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm đã phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đang bị Trung Quốc ép giá trong khâu thanh toán.
– Thứ hai, nếu như trong nửa đầu năm 2012, chỉ có phân khúc gạo phẩm cấp thấp và trung bình chịu sự cạnh tranh của Ấn Độ, Pakistan và Bangladet, thì trong những tháng cuối năm, gạo phẩm cấp cao của Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh với gạo Thái Lan, do Chính phủ nước này dự kiến sẽ đẩy mạnh “xả hàng” trong thời gian tới.
 

– Thứ ba, đầu ra cho xuất khẩu gạo vẫn nhiều hạn chế. Đến thời điểm hiện tại, Indonesia (thị trường xuất khẩu gạo chủ chốt của Việt Nam trong năm 2011) hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu; Malaysia không có thay đổi trong kế hoạch nhập khẩu, trong khi tốc độ nhập khẩu gạo của Philippines rất chậm và các thị trường châu Phi đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ ấn Độ còn thị trường Cuba chỉ thực hiện các hợp đồng Chính phủ, không có hợp đồng thương mại.

– Thứ tư, nguồn cung gạo trên thế giới khá dồi dào nên dự báo giá xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm khó có thể tăng trở lại.

Theo dự báo, trong 5 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ chỉ xuất thêm được khoảng 2,5 – 2,7 triệu tấn gạo, giá xuất khẩu bình quân dự báo sẽ tiếp tục giảm khoảng 5%. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2012 dự kiến đạt khoảng 7,2 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, tăng nhẹ 1% về lượng nhưng giảm tới 12,5% về kim ngạch so với năm 2011.

+ Mặt hàng cà phê:

Trong tháng 8, mặc dù giá xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tăng theo xu hướng trên thị trường nhưng do bước vào thời điểm cuối vụ thu hoạch cộng với lượng tồn kho trong nước còn ít nên dự báo, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2012 tiếp tục giảm, ước tính đạt 125 nghìn tấn với trị giá khoảng 267 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2012 lên 2,75 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước

+ Mặt hàng chè:

Theo đánh giá, ngoại trừ sự sụt giảm trong nhu cầu tại khu vực châu Âu, nhìn chung nhu cầu tiêu dùng chè trên thế giới vẫn tăng trưởng tốt, đây sẽ là nhân tố quan trọng hỗ trợ xuất khẩu chè của nước ta trong thời gian tới.

Xuất khẩu chè của nước ta trong tháng 8/2012 ước tính sẽ tăng nhẹ 3,85% so với tháng 7/2012, đạt khoảng 13,5 nghìn tấn, trị giá 21,39 triệu USD. Đưa tổng lượng chè xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2012 lên mức 83 nghìn tấn với trị giá hơn 124 triệu USD. 

Do nguồn cung chè trên thế giới có khả năng cải thiện trong quý 3/2012 nên giá xuất khẩu chè của nước ta được dự báo sẽ không có nhiều biến động trong một vài tháng tới. Tuy nhiên sự cải thiện này sẽ không thể bù đắp được lượng chè thiếu hụt nghiêm trọng của cả năm nay nên càng về những tháng cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ tăng dần do các dịp lễ tết giá cả được dự báo sẽ gia tăng trong quý 4/2012.  

+ Mặt hàng hạt tiêu:

Nguyên nhân khiến xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 7/2012 giảm là do lượng hạt tiêu tồn kho của Việt Nam còn ít, các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ xuất khẩu theo những đơn đặt hàng trước đó và tiếp tục trong trạng thái chờ giá xuất khẩu tăng cao hơn nữa, hiện giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với thế giới và đang có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, dù nguồn cung hạt tiêu mới từ thị trường Brazil và Indonesia đã rục rịch được bán ra nhưng không đáng kể, trong khi nhu cầu hạt tiêu tại Ấn Độ vẫn rất lớn, dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 8 sẽ tiếp tục tăng, đạt khoảng trên 10 nghìn tấn, kim ngạch 75,6 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 26% về kim ngạch so với tháng 7/2012.

+ Mặt hàng hạt điều

Thị trường điều xuất khẩu diễn ra trầm lắng suốt từ tháng 10/2011 cho tới hết quý I/2012. Giá xuất khẩu giảm khiến nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể, đóng cửa; hầu hết các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng và không có ý định mở rộng sản xuất do không vay được vốn ngân hàng và không có thị trường. Trong vài tháng tới, nhiều khả năng xuất khẩu hạt điều sẽ tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là về đầu ra. Do đó, dự báo cả năm 2012 kim ngạch xuất khẩu hạt điều chỉ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, giảm khoảng 400 triệu USD so với mức dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm mà Vinacas đưa ra hồi quý I/2012.

+ Mặt hàng cao su:

Với việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm chạp, triển vọng nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự rõ nét, trong khi nguồn cung cao su thế giới có xu hướng tăng mạnh sẽ là những áp lực đối với hoạt động xuất khẩu cao su. Trước tình hình đó, giá cao su xuất khẩu được dự báo sẽ vẫn đứng ở mức thấp trong những tháng tới.

Cũng theo dự báo, khối lượng cao su xuất khẩu của nước ta trong năm 2012 có thể vẫn đạt 900 nghìn tấn nhưng kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng không đạt được con số 2,8 tỷ USD đưa ra trong dự báo được đưa ra trước đó. Với mức giá xuất khẩu dưới 3.000 USD/tấn như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước theo đó được điều chỉnh giảm xuống mức 2,7 tỷ USD trong năm 2012, thấp hơn 500 triệu USD so với năm 2011.    

+ Mặt hàng thủy hải sản:

Tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong những tháng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng nhẹ so với tháng 7/2012 và đạt 130 nghìn tấn với kim ngạch xuất khẩu dao động ở mức 570 – 590 triệu USD/kg, kết quả này so với cùng kỳ năm trước là không tăng quá mạnh. Tình hình nguồn cung thủy sản nuôi và khai thác đang trong giai đoạn gặp khó khăn sẽ gây ra tác động xấu tới kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2012, đặc biệt là ở hai mặt hàng tôm và cá tra người nuôi đang có tâm lý bỏ ao, trong khi đó thủy sản khai thác biển bước vào mùa bão và an ninh biển đang không được tốt… Với những yếu tố đầu vào và đầu ra của thủy sản xuất khẩu thì con số 6,8 tỷ USD theo kế hoạch là khó có thể đạt được. Tuy nhiên con số 6,5 tỷ USD là khả quan với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012.

Dự báo, giá cá tra nguyên liệu, tôm, giá xuất khẩu trung bình hai mặt hàng này giai đoạn cuối năm sẽ tăng do nguồn cung của hai mặt hàng này ở Việt Nam có xu hướng giảm trong khi đó nhu cầu tiêu dùng cá tra vẫn tăng.

2 Dự báo:

Trong những tháng cuối năm 2012, hoạt động xuất khẩu nhóm nông, lâm và thủy sản tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là thị trường tiêu thụ, đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu trong ngắn hạn chưa thể phục hồi. Sức tiêu thụ ở nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… giảm đáng kể đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhất là dài hạn. Bên cạnh đó, mặc dù nhóm hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh cao nhưng lợi thế này đang dần mất đi khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng cạnh tranh bằng việc cung cấp lao động giá rẻ hơn hoặc thông qua các biện pháp nâng cao năng suất tích cực hơn. Trong khi đó, tính từ đầu năm 2012 đến nay, VND đã tăng 0,72% giá trị so với đồng USD. Trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới liên tục tăng rất mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt, việc VND tăng giá so với USD đã gián tiếp khiến VND tăng giá mạnh so với các ngoại tệ khác. Xu hướng này phần nào sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của nước ta gặp khó khăn hơn vì giá xuất một số mặt hàng tăng lên, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Theo đánh giá, xuất khẩu nhóm hàng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm nhẹ trong tháng tới và tăng trưởng trở lại kể từ đầu quý 4/2012. Trong 5 tháng cuối năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu nhóm “nông, lâm, thủy sản” sẽ đạt thêm khoảng 8 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong cả năm 2012 lên 20,2 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2011.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status