Tin tức

Sẽ thu hút được đầu tư, nếu giải phóng tốt mặt bằng

Nhân dịp Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam làm lễ khởi công dự án đầu tư có quy mô lớn tại VSIP Hải Phòng (nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên), ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những lợi thế, thành công của huyện trong thu hút đầu tư.

Thưa ông, đâu là những lợi thế của huyện trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội?

 

Thủy Nguyên có một số lợi thế lớn, cơ bản trong thu hút đầu tư.

 

Thứ nhất, huyện có vị trí địa lý rất thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Huyện giáp với nội thành và cảng Hải Phòng, lại có sông nước bao bọc, có Quốc lộ 10 đi qua, nối liền Hải Phòng với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, giao cắt với Quốc lộ 5. Do vậy, rất thuận tiện cho việc giao thông vận chuyển hàng hóa qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ. Mặt khác, diện tích đất tự nhiên của Thủy Nguyên khá lớn (242,7 km2), lại có trữ lượng đá vôi, silic, đất sét lớn phục vụ cho phát triển sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Thứ hai, Thủy Nguyên sớm được quy hoạch phân vùng phát triển sản xuất, đô thị, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân cư… Đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/10/2004 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về định hướng phát triển huyện Thủy Nguyên đến năm 2020 là: “Xây dựng huyện Thuỷ Nguyên trở thành một vùng kinh tế động lực, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, là một hướng phát triển đô thị rất quan trọng của Hải Phòng; có công nghiệp, dịch vụ, thuỷ sản và hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện…”.

 

Thứ ba, Thủy Nguyên có bề dày truyền thống văn hóa, có nhiều di tích lịch sử, lễ hội văn hóa dân gian phong phú. Đây là tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch. Hơn nữa, một số làng nghề truyền thống của huyện được Thành phố công nhận, như làng nghề mây tre đan Chính Mỹ; làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng; làng nghề vận tải thủy An Lư; làng nghề khai thác, nuôi trồng và dịch vụ thủy sản Lập Lễ…

 

Thứ tư, Thủy Nguyên hiện có 68.302 lao động qua đào tạo, có tay nghề (trên tổng số 156.977 lao động). Đây là nguồn nhân lực dồi dào, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

 

Trước việc VSIP Hải Phòng liên tục đón các nhà đầu tư đến triển khai dự án, cần ghi nhận sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của huyện trong việc tạo mặt bằng sạch. Vậy đâu là bí quyết thành công của huyện trong hoạt động rất phức tạp, khó khăn này?

Trước hết, là do các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện luôn xác định cần tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), luôn coi đây là nhiệm vụ quyết định trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

 

Huyện đã thực hiện tốt các chính sách, quy định của Nhà nước; trình tự, thủ tục về công tác GPMB; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong GPMB; vận dụng giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất trong phạm vi pháp luật cho phép.

 

Huyện luôn đối thoại trực tiếp, giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của người dân về GPMB. Chúng tôi đã tạo được sự đồng thuận cao giữa người dân, doanh nghiệp- chủ đầu tư và chính quyền. Đây là thành công đáng ghi nhận.

 

Chính vì vậy, mà hầu hết các dự án trên địa bàn huyện đều được giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch đúng thời hạn. Riêng với Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, huyện đã thu hồi đất của 4.520 hộ dân của 6 xã, bàn giao mặt bằng 331,5 ha cho Dự án, đảm bảo tiến độ. Đây có thể coi là một thành công lớn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của huyện, Thành phố.

 

Thuỷ Nguyên có núi, sông, biển, tài nguyên khoáng sản, quỹ đất lớn, nguồn nhân lực dồi dào. Những tiềm năng này được huyện khai thác thế nào để phục vụ cho  phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới, thưa ông?

 

Hiện tại, trên địa bàn huyện đã được quy hoạch một số cụm, khu công nghiệp (KCN) tập trung, như Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng (nằm trong KCN và đô thị Bắc Sông Cấm), KCN Nam Cầu Kiền, KCN Minh Đức-Bến Rừng; cụm công nghiệp Kênh Giang, cụm công nghiệp Gia Minh… Vì vậy, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư lựa chọn vị trí và phương án đầu tư.

 

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục cải cách hành chính, làm tốt công tác GPMB, thu hút các nhà đầu tư, đồng thời chú ý gắn việc đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội,  phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status