Tin tức

Tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam

Nhân dịp Quốc khánh Singapore (9/8/1965 – 9/8/2012), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam, ngài Simon Wong, có bài viết riêng cho Báo Đầu tư về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Năm 2013, Việt Nam và Singapore sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi thấy rất vui mừng rằng, quan hệ giữa hai nước đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp.

 

Singapore là một trong những đối tác chính của Việt Nam. Tính đến tháng 4/2012, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lũy kế 23 tỷ USD (hơn 1.000 dự án). Những con số này sẽ không thể có được nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam đối với các công ty của Singapore trong những năm qua.

 

 

Việt Nam – điểm đầu tư hấp dẫn

 

Việt Nam là một trong những điểm đến của các công ty Singapore, với rất nhiều lý do. Chẳng hạn, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, gần với Singapore về khoảng cách địa lý, có lực lượng lao động trẻ dồi dào (khoảng 46 triệu người).

 

Hiện Việt Nam đang quyết tâm xây dựng một nền kinh tế thị trường và đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế vĩ mô, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những biện pháp và bước đi cụ thể để ổn định nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát đã giảm, trong khi tỷ giá hối đoái và thâm hụt ngân sách có dấu hiệu cải thiện. Trên phương diện này, các công ty Singapore vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam dựa trên sự cân nhắc thận trọng về khía cạnh thương mại.

 

Đáng chú ý, các sáng kiến của ngành kinh tế tư nhân Singapore tại Việt Nam bao gồm việc phát triển 5 dự án xây dựng khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), Dự án Xây dựng khu công nghệ Ascenda – Protrade tại Bình Dương, Dự án Xây dựng cảng container nước sâu ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và việc thành lập các văn phòng chi nhánh của các ngân hàng Singapore, như DBS, UOB và OCBC tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã triển khai nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, như Trung tâm Sài gòn 2 của Keppel Land, Dự án Xây dựng Mulberry Condominium của CapitaLand, Dự án SC VivioCity của Mapletree, Dự án Xây dựng Bệnh viện quốc tế Bà mẹ và Trẻ em (Thomson Medical Centre), Trường quốc tế (KinderWorld), Dự án Đầu tư xây dựng một khu du lịch đẳng cấp thế giới tại Thừa Thiên – Huế, Dự án Thiết kế sân bay quốc tế của đảo Phú Quốc và Dự án Quy hoạch tổng thể Thành phố Bình Dương mới.

 

Bên cạnh những tiềm năng kinh tế của Việt Nam, sự thành công của các dự án trên đã có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và khuyến khích thu hút đầu tư từ nhiều công ty khác tại Singapore, cũng như khu vực. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục tạo môi trường và các điều kiện kinh doanh thuận lợi, nhằm khuyến khích ngành kinh tế tư nhân đầu tư tại Việt Nam.

 

Hiệp định Khung về kết nối Singapore – Việt Nam

 

Mặc dù quan hệ kinh tế giữa hai nước chủ yếu được đẩy mạnh bởi ngành kinh tế tư nhân, nhưng Chính phủ Singapore đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đẩy mạnh đầu tư và thương mại song phương. Chúng ta đã thiết lập Hiệp định Khung về kết nối Singapore – Việt Nam vào năm 2005, nhằm khai thác năng lực và thế mạnh của hai nước để đẩy mạnh các mối liên kết kinh doanh và đạt được tăng trưởng chung. Tôi chắc chắn rằng, hiệp định khung này sẽ tiếp tục đem lại thêm nhiều lợi ích cho cả hai nước, nhằm làm sâu sắc và mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước.

 

Cùng tiến lên

 

Tôi tin tưởng rằng, các mối liên kết kinh tế giữa Việt Nam và Singapore sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Khi Việt Nam đang tiếp tục tự do hóa và phát triển nền kinh tế của mình, Việt Nam sẽ có nhu cầu ngày càng lớn về các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng. Đặc biệt, nhằm làm cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng mạnh mẽ trong khu vực và trên toàn cầu và nhằm đáp ứng các nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh, Việt Nam sẽ có nhu cầu rất lớn đối với các dịch vụ hiện đại, như tài chính, hậu cần, thông tin liên lạc, viễn thông, giáo dục, y tế, các giải pháp đô thị và các dịch vụ du lịch. Nhiều công ty Singapore rất có chuyên môn trong các lĩnh vực này và có nhiều kinh nghiệm khi hoạt động trong khu vực, có thể đóng góp và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

 

Tôi cũng tin tưởng rằng, sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn nữa tại nhiều vùng ở Việt Nam, chứ không chỉ ở những khu vực quen thuộc như Hà Nội và TP.HCM. Tôi cũng đã có cơ hội thăm một số tỉnh này và tôi chắc rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ phát triển hết tiềm năng của các địa phương này.

 

Chẳng hạn, miền Trung của Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhờ tiềm năng lớn về du lịch cùng vị trí địa lý thuận lợi với nhiều quốc gia trong khu vực. Chính vì những tiềm năng to lớn của miền Trung, Tập đoàn Sembcorp của Singapore sẽ xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore thứ 5 ở tỉnh Quảng Ngãi. 

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam duy trì ổn định kinh tế và chính trị, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các công ty tư nhân của Singapore sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.

 

Tôi kỳ vọng rằng, quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển và quan hệ này sẽ được nâng lên ở tầm đối tác chiến lược. Việc củng cố quan hệ song phương và cải thiện “Kết nối” giữa Singapore và Việt Nam không chỉ đem lại lợi ích cho hai nước, mà còn cho cả khu vực. Tôi tin tưởng rằng, Singapore và Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cả trên góc độ song phương và khu vực ASEAN, nhằm thúc đẩy lợi ích giữa hai nước, cũng như khu vực.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status