Tin tức

Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam – EU: Khai thác tốt hơn lợi thế so sánh

Hôm nay (27/6), Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức ký Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA). Tuy nhiên, trái với nhận định của nhiều người, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công thương) cho rằng, nếu chỉ có PCA, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU chưa thể bùng nổ.

PCA chỉ là tiền đề

 

EU là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Không chỉ có vậy, EU còn là nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Tính đến hết năm 2011, EU có 1.687 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 32 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 13 tỷ USD. Các  dự án của EU được triển khai trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Chính vì vậy, việc PCA chính thức được ký kết mang lại kỳ vọng lớn cho Việt Nam.

 

PCA là hiệp định khung điều chỉnh quan hệ Việt Nam – EU, thay thế Hiệp định khung Việt Nam – EC năm 1995. PCA dành ưu tiên cao cho hợp tác phát triển và thương mại – đầu tư khi có 2 chương riêng cho các lĩnh vực này. PCA cho phép Việt Nam tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn. Cụ thể, EU cam kết tăng cường tham vấn nâng cao hiệu quả sử dụng những lợi ích mà Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) có thể mang lại cho Việt Nam; cam kết dành cho Việt Nam đối xử đặc biệt và khác biệt trong quan hệ kinh tế, thương mại; hợp tác với Việt Nam hướng tới sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. 

 

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán liên ngành PCA Việt Nam – EU nhận định, PCA sẽ mở ra triển vọng rất lớn cho mối quan hệ Việt Nam – EU. Cụ thể, về thương mại, đầu tư, PCA tạo điều kiện thuận lợi, cho phép khai thác tốt hơn lợi thế so sánh và tính bổ sung cao về cơ cấu kinh tế của hai bên. Tiềm năng mở rộng thị phần xuất khẩu của Việt Nam vào EU còn lớn, vì thương mại Việt Nam – EU chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng kim ngạch của EU. Cơ cấu xuất nhập khẩu của hai bên có tính hỗ trợ nhau rất cao. Cụ thể, EU có nhu cầu nhập khẩu cao su, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, may mặc, thuỷ sản, cà phê, chè, hạt tiêu… là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh. Còn Việt Nam lại có nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng những mặt hàng mà các nước EU có thế mạnh thuộc các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, hoá chất, giao thông – vận tải, hàng không, dược phẩm và dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng lớn. 

 

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Hải, xét về thực chất, việc ký kết PCA chưa thể khiến quan hệ thương mại Việt Nam – EU thay đổi nhiều. “PCA là chỉ là hiệp định khung. Mà hiệp định khung thì không có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ, chỉ có tính định hướng. Nếu chỉ ký kết PCA, hiệu quả tác động với thương mại, đầu tư là rất hạn chế. Tuy nhiên, PCA là tiền đề tốt để chúng ta đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU. Kết hợp PCA và FTA sẽ mang lại giá trị cộng hưởng tốt, tác động lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên”, ông Hải nói.

 

Chờ đợi FTA được ký kết

 

Theo ông Hải, hôm qua (26/6), đã có tuyên bố chính thức khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU. “Với hàng loạt cam kết về cắt giảm thuế quan, tự do hóa thương mại, FTA được kỳ vọng sẽ giúp thương mại giữa Việt Nam và EU thực sự bùng nổ”, ông Hải nói.

 

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, việc đàm phán và ký kết FTA Việt Nam – EU sẽ mở ra nhiều cơ hội, xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

 

Hiện chỉ có 42% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng  thuế suất 0% (so với 80 – 85% của Malaysia và Philippines). Nếu FTA được thực hiện, tỷ lệ này có thể tăng lên 90%, giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng mạnh. Bên cạnh đó, cùng với quá trình đàm phán FTA, EU sẽ đẩy nhanh việc công nhận Quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc đối phó với các hình thức bảo hộ thương mại.  

 

Dĩ nhiên, quá trình đàm phán FTA không thể hoàn thành chóng vánh trong một sớm, một chiều. Theo các chuyên gia, quá trình đàm phán này có thể sẽ diễn ra trong vòng 2 năm. 

Một điểm cần nói tới là, ngoài việc ký kết FTA với Việt Nam, EU cũng đang xem xét ký kết FTA với một số nước trong khu vực ASEAN – đối thủ cạnh tranh của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Vì vậy, lợi thế xuất khẩu của Việt Nam so với các nước khác có thể sẽ không tăng nhiều, dù FTA vẫn  mang lại các cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

 

Trước những lo ngại ký kết FTA có thể sẽ khiến hàng nhập khẩu của EU vào Việt Nam tăng mạnh, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, việc ký kết FTA giữa hai bên sẽ làm tăng chất lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam. Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu sang EU, với mức xuất siêu trung bình 3-5 tỷ USD/năm.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status