Tin tức

VỤ KIỆN ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM TẠI WTO – Phần 4 và 5

Là đơn vị đầu tiên đưa ra sáng kiến trong vụ Việt Nam kiện Hoa Kỳ ra WTO, VASEP đã làm được một việc ý nghĩa mà chưa hiệp hội ngành hàng nào ở Việt Nam thực hiện được và chắc chắn từ vụ việc này cũng trải nghiệm được nhiều điều.

Phần 4. VASEP chia sẻ kinh nghiệm

Để những trải nghiệm này có thể được biết tới, được chia sẻ trong các Hiệp hội và cộng đồng DN, từ đó có thêm nhiều “ngọn cờ hồng” được phất lên, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của DN XK Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP.


Thưa ông, điều gì đã thúc đẩy VASEP đưa ra đề xuất “kiện Hoa Kỳ ra WTO” – một đề xuất có thể xem là rất táo bạo – tới Chính phủ?

VASEP xác định rằng vụ kiện Hoa kỳ ra WTO là cơ hội lớn – và có thể là duy nhất – để các DN XK tôm Việt Nam thoát khỏi lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) do Hoa Kỳ áp đặt. Việc một số thủ tục của quá trình xem xét hành chính của Hoa kỳ không phù hợp với quy định của Hiệp định CBPG của WTO đã làm các DN tôm Việt Nam bị tổn thất nặng nề do vẫn phải chịu lệnh áp thuế CBPG – mà lẽ ra đã phải được dỡ bỏ – trong những năm qua. Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các DN XK tôm, VASEP đã đưa ra đề xuất nói trên. Hơn nữa, chúng tôi cũng hy vọng rằng thông qua việc này, phía Hoa kỳ cũng như các nước khác thấy rõ rằng DN Việt Nam không bán phá giá và có đủ khả năng chứng minh vấn đề này trên bình diện các thỏa thuận cũng như luật pháp quốc tế.Việt Nam mới gia nhập WTO chưa được bao lâu, và chưa bao giờ đi kiện nước nào ra WTO.

VASEP dựa vào điều gì để tin rằng Chính phủ sẽ đồng ý với đề xuất của mình?

Chúng tôi đã thuyết phục được Chính phủ bằng các nghiên cứu hết sức nghiêm túc và cẩn trọng về các nội dung khởi kiện được chuẩn bị bởi đội ngũ cố vấn dày dạn kinh nghiệm. Trên cơ sở đó Ban Hội thẩm của WTO đã đồng ý với quan điểm của Việt Nam về hầu hết các nội dung quan trọng của vụ kiện.

Trên thực tế, VASEP đã làm gì để thuyết phục các cơ quan liên quan tin vào những gì mà VASEP đã tin?

Vì đây là vụ kiện đầu tiên nên ban đầu chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn và mất khá nhiều thời gian để thuyết phục các cơ quan liên quan, do có khá nhiều ý kiến trái chiều và tâm lý e ngại kiện tụng. Đại diện VASEP và các DN đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp và gửi các bản giải trình tới các cơ quan liên quan của Chính phủ. Cuối cùng sau khi xem xét nhiều lần các vấn đề về pháp lý và thực tiễn, các cơ quan của Chính phủ đã đồng ý với quan điểm cao rằng quyền lợi của các DN Việt Nam đã bị vi phạm do phía Hoa kỳ không tuân thủ đúng quy định của WTO và quyết định sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO để giải quyết vấn đề này.

VASEP có gì nuối tiếc không, về những việc mà VASEP cho rằng có thể làm tốt hơn hoặc lẽ ra nên làm trong vụ việc này?

Chúng tôi không có điều gì tiếc nuối với các công việc đã thực hiện liên quan đến vụ kiện và vẫn đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện các bước tiếp theo: quá trình thực thi của Hoa kỳ đối với các phán quyết của WTO và các thủ tục tiếp theo để đạt được mục tiêu cuối cùng là buộc Hoa kỳ phải dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG đối với các DN Việt Nam.

Ông có cho rằng các DN thủy sản hài lòng với kết quả vụ việc?

Các DN VASEP về cơ bản đã đạt được mục tiêu chính đặt ra khi khởi kiện: buộc Hoa kỳ phải hủy bỏ việc áp dụng phương pháp “quy về 0” khi tính thuế CBPG và bỏ yêu cầu buộc DN không phải là bị đơn bắt buộc phải nộp đơn xin hưởng mức thuế riêng và phía Hoa kỳ đã đồng ý với phán quyết của WTO về việc này. Chúng tôi đang chờ đợi việc Bộ Thương mại Hoa kỳ sẽ thi hành phán quyết của WTO.
Nếu có thể chia sẻ điều gì đó mà ông cho là quan trọng nhất khi tham gia vụ việc này với các hiệp hội ngành hàng khác, ông sẽ nói gì?

Tuy việc kiện WTO là do Chính phủ tiến hành, các DN, hiệp hội có quyền lợi liên quan cần tích cực tham gia, phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan Chính phủ mà cụ thể là Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương. Ngoài ra, cần kiên trì và luôn chuẩn bị kỹ lưỡng khi tham gia các vụ kiện quốc tế.

Xin cảm ơn ông rất nhiều


Phần 5. Nhìn ra nước bạn: Pakistan đã thắng Mỹ như thế nào?

Một thắng lợi nhiều ý nghĩa

Năm 1995, khi Hiệp định Đa sợi (MFA) trong GATT hết hiệu lực, thay thế bằng Hiệp định Dệt may (ATC), một loạt các biện pháp hạn chế NK (hạn ngạch) mà các nước NK đang áp dụng đã phải điều chỉnh theo hướng giảm bớt mức độ hạn chế. Lo ngại nguy cơ gia tăng sợi bông NK từ Pakistan (nhà XK sợi bông lớn thứ 2 vào Hoa Kỳ), tháng 12/1998, Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp tự vệ (theo Điều khoản 301) nhằm hạn chế về số lượng NK đối với sợi bông Pakistan.

Thất bại trong tham vấn với Hoa Kỳ về biện pháp này, Pakistan quyết định sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO (bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp tại Ủy ban Dệt may theo Hiệp định ATC). Ủy ban Dệt may ATC tuyên bố Pakistan thắng.

Sau đó, vì Hoa Kỳ không thực hiện quyết định (không có tính bắt buộc) này của Ủy ban, Pakistan tiếp tục yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm theo thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU) để giải quyết vụ tranh chấp. Ban Hội thẩm ra báo cáo đồng tình với yêu cầu của Pakistan.
Trước kháng kiện của Hoa Kỳ về quyết định này, Cơ quan Phúc thẩm của WTO ra quyết định ủng hộ kết luận của Ban Hội thẩm, rằng Pakistan đã đúng trong vụ việc này. Cuối cùng, tháng 11/2001, Hoa Kỳ đã phải rút lại biện pháp tự vệ áp dụng đối với sợi bông Pakistan. Vụ việc kết thúc sau 3 năm nỗ lực đấu tranh của Pakistan vì lợi ích của ngành sản xuất chủ chốt của nước này.

Những ai đã làm nên chiến thắng?

Hiệp hội các Nhà máy Dệt may toàn Pakistan (APTMA)

APTMA là hiệp hội tập hợp tất cả các nhà sản xuất, XK dệt may của Pakistan và là hiệp hội có tiếng nói tích cực và có ảnh hưởng ở nước này (dệt may là ngành sản xuất XK chủ lực của Pakistan). Vào thời điểm xảy ra tranh chấp này, APTMA đã có một ủy ban thường trực phụ trách các vấn đề về CBPG và WTO với mục tiêu phối hợp với Bộ Thương mại Pakistan trong việc tìm kiếm và lựa chọn thuê các luật sư và chuyên gia tư vấn giỏi phục vụ cho quá trình đàm phán của Pakistan cũng như trong các vụ tranh chấp của nước này trong WTO liên quan đến hàng dệt may.

Trong vụ việc này, APTMA đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện pháp lý, vật chất và làm cầu nối giữa cộng đồng DN dệt may Pakistan với Bộ Thương mại nước này trong việc theo đuổi vụ việc. Cụ thể, APTMA đã tích cực: (i) Cung cấp các thông tin về ngành dệt may nói riêng và thông tin thương mại nói chung cho các luật sư, chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế đại diện cho chính phủ Pakistan trong vụ việc này để họ có thể chuẩn bị tốt nhất lập luận của mình; (ii) Làm cầu nối giữa Chính phủ với các DN trong việc cung cấp thông tin về vụ việc từ Chính phủ đến DN và tham gia cùng Bộ Thương mại Pakistan xây dựng cơ chế phân bổ trách nhiệm lo các khoản phí phục vụ cho vụ kiện này.

Người tư vấn trong nước

Vụ việc này là tranh chấp đầu tiên của Pakistan trong khuôn khổ WTO theo ATC và DSU. Vào thời điểm tranh chấp này xảy ra, Bộ Thương mại Pakistan chưa có một đơn vị hay thiết chế nào cụ thể chịu trách nhiệm về các vụ tranh chấp trong WTO. Vì vậy, Bộ này đã quyết định thuê một chuyên gia cao cấp trong nước để tư vấn cho Chính phủ về cách thức hành động trong vụ việc.

Vị chuyên gia này được lựa chọn do có kinh nghiệm cá nhân sâu sắc về đàm phán song phương và lĩnh vực dệt may.

Chính phủ Pakistan đã có lựa chọn đúng bởi vị chuyên gia này thực tế đã có đóng góp rất quan trọng vào kết quả của vụ việc thông qua việc tư vấn cho Chính phủ Pakistan về định hướng hành động trong các giai đoạn cụ thể cũng như tư vấn cách thức để đạt hiệu quả cao trong vụ việc. Ông này cũng tham gia một cách hiệu quả cùng các chuyên gia quốc tế, ATPMA và Bộ Thương mại trong xây dựng các lập luận cho Pakistan và trình bày các lập luận này trước các cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan.

Luật sư, chuyên gia tư vấn quốc tế

Trong vụ việc này, APTMA và Bộ Thương mại Pakistan đã thống nhất thuê một công ty luật của Mỹ có trụ sở tại Washington để giúp cho Pakistan trong toàn bộ các vấn đề pháp lý và tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc trước Ủy ban Dệt may (trước đó công ty này đã từng giúp Pakistan có kết quả tốt trong quá trình đàm phán với Hoa Kỳ). Pakistan cũng thuê một công ty Hoa Kỳ khác cùng hỗ trợ công ty nói trên trong vụ việc này.Tới khi vụ việc được đưa ra giải quyết theo thủ tục DSU tại Geneva thì Pakistan quyết định thay đổi luật sư, chọn một công ty luật có trụ sở tại Geneva (nhằm tiết kiệm các chi phí đi lại, ăn ở cho luật sư).

Pakistan đã học được gì từ kinh nghiệm của chính mình

Các chuyên gia thương mại quốc tế của Pakistan đã đúc rút ba bài học lớn từ vụ việc này.
Thứ nhất, Chính phủ cần có vai trò chủ động và tích cực hơn trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Trên thực tế, sự lần chần của Chính phủ Pakistan khi Hoa Kỳ không thực hiện khuyến nghị giải quyết tranh chấp của Ủy ban Dệt may ATC khiến cho gần một năm sau đó Pakistan mới quyết định đưa vụ việc ra giải quyết trong khuôn khổ WTO (tất nhiên, bên cạnh đó còn có một vài lý do khác như quá trình lựa chọn luật sư tại Geneva mất thời gian và Pakistan có ý chờ đợi kết quả các cuộc đàm phán liên quan với Hoa Kỳ lúc đó với hy vọng có thể giải quyết vấn đề thông qua thương lượng – trên thực tế, có ý kiến cho rằng trong việc này có vẻ như Pakistan đã rơi vào bẫy chiến lược “câu giờ” của Hoa Kỳ).
Sự chậm trễ, lúng túng này của Chính phủ Pakistan khiến DN dệt may nước này bị thiệt hại thêm 1 năm (đặc biệt lại rơi trúng vào thời điểm thế giới đang khan hiếm sợi bông khiến giá cả mặt hàng này sang Hoa Kỳ tăng mạnh).

Thứ hai, Chính phủ cần có một đơn vị (thiết chế) riêng phụ trách các vấn đề tranh chấp trong WTO (trong trường hợp của Pakistan thì là một thiết chế nằm trong Bộ Thương mại).

Thiết chế này sẽ có trách nhiệm: (i) làm đầu mối thực hiện các hoạt động liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, (ii) đưa ra các hướng dẫn về các vấn đề thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại cho khối DN cũng như phối hợp hành động một cách bài bản với khối này trong quá trình giải quyết vụ việc; và (iii) tập hợp và nghiên cứu các án lệ thương mại thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và tư vấn phù hợp cho Chính phủ Pakistan.

Trên thực tế, lúc vụ việc phát sinh (năm 1998) Pakistan chưa có thiết chế này nhưng đến khi vụ việc được đưa ra WTO (năm 2000), Chính phủ Pakistan đã mau chóng rút kinh nghiệm và thành lập một đơn vị chuyên phụ trách vấn đề này tại Bộ Thương mại và một đơn vị tương tự tại Phái đoàn của Pakistan ở Geneva. Tuy nhiên hoạt động và hiệu quả của các đơn vị này còn hạn chế, chưa được như mong muốn.

Nếu các đơn vị này thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt khi nghiên cứu các vụ việc trong khuôn khổ WTO, Chính phủ có thể tiết kiệm khá nhiều (do không phải thuê luật sư nước ngoài trong một số trường hợp/giai đoạn), đồng thời bảo đảm được tốt hơn lợi ích của Pakistan nói chung.
Thứ ba, Chính phủ cần có sự phối kết hợp hiệu quả và chặt chẽ hơn với các hiệp hội nói riêng và khu vực DN nói chung.

Trong vụ việc này, Bộ Thương mại Pakistan đã hiệp đồng tốt với APTMA và các DN nhưng chủ yếu là nhờ nỗ lực và mối quan hệ cá nhân của chuyên gia tư vấn nội địa được Pakistan thuê trong vụ này (ông này trước khi hành nghề luật sư tư nhân vốn là Đại diện của Pakistan tại WTO và Đại sứ tại Thụy Sỹ).

Để tham gia tốt và hiệu quả vào quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại trong WTO nhằm bảo vệ lợi ích của DN thành viên, các hiệp hội DN cần có đầu tư thích đáng cho hoạt động này (ví dụ: APTMA đã thành lập thêm một bộ phận chuyên trách về các vụ việc trong WTO và thuê luật sư chuyên nghiệp tư vấn cho APTMA). Hiệp hội cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ và thường xuyên với đơn vị phụ trách vấn đề liên quan của Chính phủ.

Cuối cùng, về chi phí, trong những trường hợp nhất định (nếu các DN, hiệp hội có nguồn lực đủ mạnh) Chính phủ và khối DN có thể cùng chia sẻ chi phí thuê luật sư tư vấn (trong nước và quốc tế) nhằm thuê được luật sư tốt, kịp thời, phục vụ việc giải quyết vụ việc.

(Theo: Victory in Principle: Pakistan’s Dispute Settlement Case on Combed Cotton Yarn Exports to the United States, Turab Hussain-Lecturer, Dep. of Economics, Lahore University of Management Sciences, Pakistan.)
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status