Tin tức

Dự báo xuất khẩu thủy sản tăng trưởng chậm trong 2 quý tới

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản chính của Việt Nam liên tục chứng kiến sự sụt giảm về kim ngạch, thủy sản vẫn khẳng định được vị thế với con số đạt gần 1,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2012, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 4 đạt 470,1 triệu USD, tăng 0,9%.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 11% trong 4 tháng và 0,9% trong tháng 4 năm nay không chỉ thấp nhất trong 3 năm qua, mà còn phản ánh đúng thực trạng những khó khăn của ngành thủy sản gặp phải. Xét về mặt giá trị, mức tăng trưởng trên là khả quan nhưng bên cạnh đó, lợi nhuận của ngành sản xuất và XK thủy sản Việt Nam đang sụt giảm.

Thiếu vốn và “đói” nguyên liệu cùng với các chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường XK bị thu hẹp là những trở ngại mà DN thủy sản phải đối đầu trong thời điểm chồng chất khó khăn này. Kết quả là 2 mặt hàng chính – tôm và cá tra – đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 4, trong đó XK tôm giảm 6,5% đạt 163,2 triệu USD, riêng tôm sú giảm gần 22% – chủ yếu do tôm chết vì dịch bệnh và nhu cầu thị trường đối với sản phẩm cao cấp không nhiều. Tiếp đến là XK cá tra cũng chỉ đạt 143,6 triệu USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và theo nhận định của nhiều DN, XK cá tra sẽ tiếp tục giảm nếu DN và người nuôi không được tiếp sức bằng nguồn vốn vay ngân hàng.

Hiện nay, tình hình XK của các DN chế biến thủy sản ít thuận lợi do nhu cầu thấp tại các nước NK, việc tiêu thụ khó khăn. Châu Âu vẫn là thị trường chủ lực NK thủy sản từ Việt Nam chiếm 19,6% tỷ trọng XK, giảm so với gần 25% của cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính kéo dài. XK thủy sản sang Châu Âu 4 tháng đầu năm giảm gần 12%, trong đó tôm giảm gần 30% và cá tra giảm gần 14%. Trong khi đó, thị trường Mỹ được các DN đánh giá là tăng trưởng tốt song nếu so với năm 2011, mức tăng trưởng cũng giảm chỉ còn khoảng 1/3 cho dù tỷ trọng XK sang thị trường này vẫn giữ ổn định khoảng 20%.

Thị trường Châu Âu giảm mạnh đã khiến các DN XK trong nước phải chuyển hướng sang thị trường Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản – thị trường có cùng thị hiếu tiêu dùng thủy sản tương tự Châu Âu. XK thủy sản sang Nhật Bản tăng 32%, cao hơn so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm ngoái và tỷ trọng cũng tăng từ 14% trong 4 tháng đầu năm 2011 lên gần 18% trong 4 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang gia tăng các rào cản kỹ thuật và từ ngày 18/5/2012 đã kiểm tra ethoxyquin với mức giới hạn cho phép 0,01 ppm đối với 30% số lô tôm NK từ Việt Nam vào thị trường này, trong khi ngay tại Nhật Bản, chất này được phép sử dụng trong thức ăn nuôi tôm với hàm lượng cho phép tối đa 150 ppm! Vì vậy, nếu cơ quan quản lý của Việt Nam không có những động thái tích cực với Nhật Bản nhằm điều chỉnh mức giới hạn cho phép của ethoxyquin trong sản phẩm tôm của Việt Nam thì rất có thể tôm Việt Nam sẽ sụt giảm trong các quý còn lại của năm nay.

Khó khăn về nguyên liệu, thị trường và đặc biệt là thiếu vốn khiến nhiều DN thuỷ sản lao đao. Con số DN tham gia XK trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này không phản ánh sự suy sụp của ngành thuỷ sản XK, vì số DN không còn tham gia XK trong giai đoạn này phần lớn là những DN thương mại có doanh số XK rất thấp nên chỉ làm giảm khoảng 5% giá trị XK so với cùng kỳ năm ngoái.

Những DN có nhà máy chế biến, có vùng nuôi hoặc có quy trình sản xuất khép kín vẫn giữ được mức tăng trưởng XK khả quan so với năm trước. 10 DN XK thủy sản hàng đầu trong 4 tháng đầu năm nay chiếm 21,5% tổng giá trị XK thuỷ sản của cả nước, con số này cao hơn so với 19,3% của cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể coi là cơ hội để cơ cấu lại ngành thuỷ sản XK, duy trì sự phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh “khủng hoảng niềm tin” của nền kinh tế, đặc biệt là ngành ngân hàng, thì việc hỗ trợ một cách hợp lý cho DN là giải pháp cần thiết để vực XK thuỷ sản thoát khỏi nguy cơ sụt giảm trong tương lai.

Nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, XK thủy sản sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng 2 con số và tin rằng XK thủy sản sẽ phục hồi và phát triển nhanh trong năm sau do sự nỗ lực vượt khó của DN để phát huy hiệu quả của những biện pháp như giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, duy trì và ổn định khách hàng, đảm bảo đời sống và việc làm cho người lao động… Trước mắt, XK thủy sản có thể tăng trong quý II và quý III nhưng khó vượt quá 10% vì XK tôm và cá tra vẫn giảm do một số khó khăn nội tại và cả từ các thị trường bên ngoài.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status