Tin tức

XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG CHÂU ÂU

Từ năm 2007, EU đã vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với tốc độ phát triển nhanh và khá ổn định. Năm 2011 EU dẫn đầu với 21,8% thị phần kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đứng trước Hoa Kỳ 19,3% và Nhật Bản 16,4%.

EU- đối tác tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Với sự đa dạng các sản phẩm xuất khẩu, Việt Nam cung cấp nhiều loại sản phẩm khác nhau đến thị trường này, tuy nhiên xuất khẩu cá tra chiếm ưu thế tuyệt đối và góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam vào EU, đưa EU trở thành thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam. Cá tra xuất khẩu sang EU tương đối ổn định về sản lượng, song giá biến động theo chiều hướng ngày càng thấp hơn. Năm 2011 là năm đầu tiên trong vòng 3 năm qua, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm hơn 1 %.

Bù lại, xuất khẩu tôm vào EU đã có dấu hiệu tốt trong 2 năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Năm 2011, xuất khẩu tôm vào EU tăng 20,3% so với năm 2010, đưa Việt Nam vào vị trí thứ 5 trong nhóm xuất khẩu tôm hàng đầu vào EU với thị phần tăng từ 6, 1% năm 2010 lên 7,5% năm 2011.

Khối lượng thủy sản XK vào EU

Cơ cấu các mặt hàng XK vào EU năm 2011: cá tra 39,5% (-1%), tôm 31% (+20,3%), cá ngừ 5,97% (+19,2%), mực bạch tuộc 9.28% (+29,6%); nhuyễn thể 2 mảnh vỏ 3.87% (-6,89%); hải sản khác: 10.38% (tính theo giá trị).

LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM

Có nhiều nhà máy chế biến đáp ứng các yêu cầu bảo đảm VSATTP

Một trong những thế mạnh của Việt Nam so với các nước trong khu vực là xây dựng được 1 hệ thống nhà máy chế biến sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu khó tính nhất trong đó có EU.

Hiện tại Việt Nam có trên 600 nhà máy chế biến thủy sản, với hơn 430 nhà máy đông lạnh, công suất 7.500MT/ngày. Trong số này có 539 nhà máy chế biến đạt các tiêu chuẩn quốc gia về VSATTP bao gồm HACCP, GMP, SSOP. So với các quốc gia trong khu vực Việt Nam là nước có nhiều nhà máy chế biến được cấp chứng nhận xuất khẩu vào EU 393 nhà máy (năm 1999 chỉ có 17 nhà máy).

Bên cạnh đáp ứng đầy đủ các điều kiện sản xuất đáp ứng các qui định của thị trường nhập khẩu, các công ty Việt Nam không ngừng cải tiến điều kiện sản xuất và áp dụng công nghệ mới vào quản lý chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng ở các thị trường nhập khẩu.

Tăng cường quản lý vùng nguyên liệu

Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ khâu chế biến, Việt Nam đang từng bước tiến tới quản lý nguyên liệu đầu vào thông qua việc mở rộng quản lý vùng nuôi đặc biệt được thể hiện rõ qua ngành nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, các DN Việt Nam đã chủ động xây dựng những vùng nguyên liệu, với sự quản lý chặt chẽ từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, đảm bảo sản xuất ra nguyên liệu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặc dầu chưa có thống kê đầy đủ và chính xác, nhưng theo ước tính từ Hiệp hội thì có khoảng 60% tổng sản lượng cá tra đang được nuôi từ các DN chế biến. Xu hướng này sẽ tăng lên trong những năm tới khi những hộ nuôi cá thể/độc lập khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển vùng nuôi theo các tiêu chuẩn nuôi an toàn của thế giới.

Đến nay có 49 nhà máy chế biến được chứng nhận bởi những tiêu chuẩn như GlobalG.A.P (45% tổng số các nhà máy cá tra); 103 trại nuôi cá tra (sở hữu hay hợp tác với các nhà máy chế biến) đã và đang áp dụng các tiếu chuẩn nuôi an toàn khác ( khoảng 40% tổng diện tích nuôi cá tra); 5 trại nuôi cá tra thuộc các DN chế biến đang thực hiện tiêu chuẩn và tiếp cận chứng nhận ASC.

Tuy không chủ động vùng nuôi như cá tra, ngành tôm cũng đang có những chuyển biến tích cực để quản lý nguồn nguyên liệu thông qua sự liên kết với các hợp tác xã nuôi tôm tại những vùng nuôi trọng điểm để đảm bảo sản lượng và chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Nguồn cung cấp khá ổn định và quanh năm

Năm 2011, sản lượng thủy sản nuôi trồng là 2,93 triệu tấn, tăng 7,4% so với năm 2010. Trong đó sản lượng tôm đạt 632.900 tấn và cá tra 1.195.344 tấn theo số liệu của Tổng Cục Thủy sản.

Với việc áp dụng các kỹ thuật nuôi hiện đại, sản xuất cá tra đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho XK hiện nay với nguồn cung đáp ứng quanh năm cho các nhà máy chế biến đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuả các thị trường.

Bên cạnh đó với việc dịch chuyển sang nuôi tôm chân trắng đáp ứng nhu cầu thế giới đang chuyển dần sang các sản phẩm tôm cỡ nhỏ, giá rẻ phần nào giải quyết vấn đề nguyên liệu tôm sú thiếu hụt do dịch bệnh và thời tiết bất lợi. Tỷ trọng tôm chân trắng xuất khẩu chiếm 29,3% so với 26% năm 2010, tôm sú 59,7%, tôm càng xanh và các loài khác chiếm hơn 10%.

 

NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

Thiếu chiến lược tiếp thị đồng bộ và lâu dài

Mặc dù đang nằm trong top 4 nhà cung cấp thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng đến nay Việt Nam còn thiếu chiến lược tiếp thị toàn cầu lâu dài cho cả ngành thủy sản nói chung và các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói riêng. Việc tiếp thị quảng bá chưa tương xứng với sự phát triển của ngành và chưa đáp được nhu cầu phát triển của DN. Việc thiếu chiến lược marketing đồng bộ đã làm giảm sút sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các nước khác đồng thời chưa giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó việc thiếu hệ thống cung cấp thông tin đầy đủ, chính thức đã gây thiệt hại cho chúng ta trước các thông tin sai lệch vế chất lượng, việc nuôi trồng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU và thế giới nói chung.

Chưa tạo được thương hiệu quốc gia

Trên 70% sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam là chế biến thô, đối với cá tra là trên 80% là fillet đông lạnh, do đó sản phẩm của chúng ta chưa tiếp được phân khúc cao cấp và cho dòng sản phẩm giá trị gia tăng tại thị trường Châu Âu, thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm chế biến, ăn liền. Hằng tháng EU nhập khẩu 3 tỉ USD thủy sản nguyên liệu và 1,6 tỉ USD thủy sản chế biến.

Ngay cả mặt hàng tôm, mặt hàng Việt Nam khá thành công tại Nhật cho các sản phẩm cao cấp thì hầu như vẫn chưa tiếp cận được thị trường EU.

 

Do thiếu vốn, thiếu định hướng xuất khẩu và đầu tư lâu dài nên các DN Việt Nam hiện nay chưa chú trọng đúng mức đến phát triển các mặt hàng GTGT để tăng giá trị xuất khẩu đồng thời tạo 1 vị thế riêng cho mình tại thị trường. Hiện nay chúng ta mới được thế giới biết đến như 1 quốc gia cung cấp nguyên liệu mà chưa tạo ra những dòng sản phẩm cao cấp đặc thù của Việt nam trong cạnh tranh với các quốc gia khác.

Truy xuất nguồn gốc còn nhiều hạn chế

Xu hướng của các thị trường hiện nay là ngoài việc quản lý tốt VSATTP tại các nhà máy chế biến thì yêu cầu truy xuất nguồn gốc ngày càng tăng, đặt ra nhiều thách thức cho các nhà máy khi phải tham gia quản lý vùng nguyên liệu để tránh rủi ro về chất lượng. Mặc dầu được các cơ quan kiểm tra chất lượng đánh giá Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực trong việc mở rộng phạm vi quản lý chất lượng ra ngoài nhà máy chế biến, nhưng việc quản lý này còn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là ngành nuôi tôm Việt Nam.

Do các trang trại nuôi tôm còn nhỏ lẻ nên việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với tôm rất khó khăn, các nhà máy vẫn phải thu gom nguyên liệu qua hệ thống nậu vựa. Nhà máy không kiểm soát được nguyên liệu trước khi vào nhà máy, do đó rủi ro khá cao trong quản lý chất lượng XK. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến các DN tôm còn e dè khi thâm nhập thì trường EU.

Với khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, lãi suất cao, chỉ có các DN mạnh về tài chính mới đủ sức đầu tư toàn chuỗi giá trị; những DN khác chọn các hình thức liên kết giữa các bên: nhà máy chế biến, nhà máy sản xuất thức ăn, người nuôi…Tuy nhiên những mô hình này hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn và khá lỏng lẻo trong thực hiện, do chưa có khung pháp lý rõ ràng qui trách nhiệm giữa các bên tham gia, đưa đến những mâu thuẫn quyền lợi.

Các rào cản thương mại và kỹ thuật

Rào cản phi thuế quan lớn nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của EU, chủ yếu là chống bán phá giá cũng như các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật (TBT).Trong đó những biện pháp rào cản kỹ thuật luôn là những thách thức đối với các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mặc dù có thuận lợi là EU đã công nhận năng lực của NAFIQAD trong thực hiện lấy mẫu, kiểm tra lô hàng tại cảng, cấp chứng thư, tuy nhiên các DN Việt Nam phải luôn chạy theo các tiêu chuẩn VSATTP, tiêu chuẩn vùng nuôi ngày càng tăng, phải tăng đầu tư nhiều hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu này.

Điều này hạn chế sự tiệp cận của các DN vừa và nhỏ vốn thiếu nguồn tài chính và sự hạn chế về trình độ nguồn nhân lực bên cạnh mạnh dạn mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản khác.

Tô Thị Tường Lan

Phó Tổng Thư ký VASEP
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status