Tin tức

Tăng tốc đón sóng đầu tư từ Nhật Bản

Vừa trở về từ Tokyo (Nhật Bản) sau lễ ký hợp tác phát triển Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) với Tập đoàn xây dựng Shimizu (Nhật Bản) vào cuối tuần trước, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển N&G khẳng định, sóng đầu tư Nhật Bản đang rất mạnh, nhất là từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng cho rằng, cơ sở của nhận định này không chỉ bởi sự có mặt của Shimizu, tập đoàn hàng đầu Nhật Bản với mức doanh thu lên tới 20 tỷ USD/năm với vai trò tư vấn thiết kế, xây dựng, thu hút vốn và kêu gọi nhà đầu tư Nhật Bản vào HANSSIP, mà còn là sự sẵn sàng của doanh nghiệp Nhật Bản trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam rất rõ ràng.

 

“Chúng tôi đã làm việc với Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt hỗ trợ toàn cầu hoá công ty nhỏ và vừa Nhật Bản và biết rằng, 214.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hoạt động trong ngành chế tạo chưa đầu tư ra nước ngoài lần nào, nhất là doanh nghiệp ở khu vực vừa xảy ra thảm họa động đất, đang hướng quan tâm đến địa điểm đầu tư Việt Nam. Vấn đề hiện tại là, Việt Nam có thể nhanh chóng đáp ứng các điều kiện để đón họ hay lại bỏ lỡ thời cơ”, ông Hoàng nói.

 

Với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, rộng 650 ha, dự kiến khởi công vào tháng 6/2012, HANSSIP đang nhanh chóng hoàn tất các kế hoạch để kịp đón dòng vốn này khi xác định là tổ hợp phức hợp công nghiệp, đô thị – dịch vụ, trung tâm thương mại, ngân hàng, y tế, trường học, có thể phục vụ 200 doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, điện tử, tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô…

 

Cũng phải nói thêm là, trong 3 tháng đầu năm 2012, dòng vốn đầu tư Nhật Bản đang chiếm thế thượng phong với khoảng 2 tỷ USD trong tổng số 2,26 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Hơn thế, các dự án quy mô lớn đều thuộc về Nhật Bản, như Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại Bình Dương (1,2 tỷ USD); Dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng (574,8 triệu USD) và Dự án Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam tại Khánh Hoà (180 triệu USD)…

 

Tuy nhiên, sóng đầu tư từ doanh nghiệp phụ trợ Nhật Bản không chỉ phụ thuộc vào sự có mặt của các thương hiệu lớn trong các ngành sản xuất – chế tạo tại Việt Nam. Thông tin từ Ủy ban Đặc biệt hỗ trợ toàn cầu hoá công ty nhỏ và vừa Nhật Bản, doanh nghiệp phụ trợ Nhật thường không có nhu cầu thuê diện tích đất lớn, xây dựng nhà xưởng hay mua thiết bị mà muốn thuê nhà xưởng xây sẵn với diện tích vừa phải, giá thuê cạnh tranh trong khu công nghiệp tích hợp nhiều dịch vụ để giảm thiểu chi phí.

 

Đây được cho là một trong những rào cản làm giảm tốc làn sóng đầu tư Nhật Bản vào công nghiệp phụ trợ. Ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa – Vũng Tàu thừa nhận, từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư Nhật Bản đến Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều, nhưng chưa có kết quả cụ thể. “Cuối tháng 3 này, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư sang Nhật Bản để thúc đẩy các kế hoạch này”, ông Lễ thông tin.

 

Có thể thấy, việc Shimizu không chỉ hợp tác với N&G để xây dựng HANSSIP, mà còn xác định kế hoạch xây dựng Khu đô thị dịch vụ, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp này trên cơ sở mở rộng cụm công nghiệp Đại Xuyên ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là cách đi “trọn gói” để đón dòng vốn nóng từ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản trong ngành công nghiệp phụ trợ.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status