Tin tức

“Phin lọc” dự án FDI

Sẽ có những “phin lọc” đặc biệt được thiết kế để giúp Việt Nam sàng lọc các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi trả lời phỏng vấn báo chí sau phiên đối thoại trực tuyến với nhân dân, tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. “Không phải nhà đầu tư nào đến Việt Nam cũng được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư. Sẽ không có sự cào bằng như thời gian qua. Một bộ tiêu chí cụ thể sẽ được xây dựng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực, công nghệ, địa phương, vùng, miền mà chúng ta mong muốn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho biết, những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư trong thời gian tới là công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, những lĩnh vực chế tác, chế tạo…

 

Muốn nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam đang định hướng thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Nhưng những cảnh báo từ ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học – Xã hội Việt  Nam, về xu hướng chuyển giao công nghệ lạc hậu sang Việt Nam là rất đáng lưu tâm. Theo ông Trung, tháng 10/2011, Trung Quốc đã thông báo loại bỏ 2.255 doanh nghiệp lạc hậu, hiệu quả thấp trên cả nước và điều này có thể sẽ dẫn đến xu hướng dịch chuyển các công nghệ lạc hậu này sang Việt Nam.

 

Điều đáng mừng là, trước thực trạng này, đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ ra văn bản cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ với 18 ngành nghề, nhằm tránh sự đổ bộ của các thiết bị, công nghệ lạc hậu được loại bỏ từ các doanh nghiệp nói trên tại Trung Quốc. Đây có thể sẽ là một phin lọc đặc biệt đầu tiên giúp Việt Nam ngăn chặn các thiết bị lạc hậu đổ bộ vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, với những công nghệ trong những ngành nghề còn lại, Việt Nam sẽ sàng lọc thế nào? Và đâu là những lĩnh vực, những công nghệ mà Việt Nam sẽ khuyến khích đầu tư. “Không phải cứ là công nghệ cao thì Việt Nam sẽ chấp nhận. Chúng ta sẽ chỉ chấp thuận với những lĩnh vực mà Việt Nam cần”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

 

Định hướng là vậy, nhưng nếu không có tiêu chí cụ thể, thì cũng sẽ rất khó để quyết định “gật” hay “lắc”. Bởi thế, việc xây dựng được các bộ “phin lọc” là vô cùng cần thiết. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tới đây, việc xem xét các dự án FDI cũng sẽ quan tâm nhiều hơn tới suất đầu tư của các dự án.

 

“Dự án nào có tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư cao, công nghệ cao thì sẽ được lựa chọn, còn nếu công nghệ thấp, lại chiếm nhiều đất sẽ bị từ chối”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết và một lần nữa nhấn mạnh rằng, Việt Nam có quyền lựa chọn và sẽ chỉ lựa chọn những dự án mà Việt Nam cần, chứ không phải là bất cứ dự án nào nhà đầu tư đề xuất.

 

Thông điệp được gửi đi đã rất rõ ràng. Chỉ lựa chọn những dự án mà Việt Nam cần và lựa chọn những nhà đầu tư thực sự. “Đây không phải là lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã trả lời như vậy khi nhận được câu hỏi về việc Tập đoàn Las Vegas Sand muốn đầu tư hai khu vui chơi giải trí ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó có casino, song lại muốn Việt Nam mở cửa cho cả người dân trong nước vào chơi.

 

“Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là chưa mở cửa cho người dân trong nước vào chơi trong casino. Vì thế, nhà đầu tư nếu không chấp nhận thì có thể tới nơi khác đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ quan điểm và cho biết, chuyện Las Vegas Sand muốn đầu tư casino tại Việt Nam hiện mới chỉ là ý tưởng đơn phương của nhà đầu tư này và cho tới nay, chưa có bất cứ chủ trương nào của Chính phủ, cũng như của các bộ, ngành đối với dự án. Ngay cả với dự án Tổ hợp vui chơi giải trí ở Vân Đồn, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cũng mới đang dừng ở việc nghiên cứu, xem xét để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

 

Cũng liên quan tới việc sàng lọc các dự án FDI, như thông tin Báo Đầu tư từng đề cập, hiện tại, pháp luật Việt Nam không cấm việc các doanh nghiệp FDI vay vốn trong nước, song theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, khi xem xét các dự án đầu tư, các địa phương phải quan tâm tới các cam kết tài chính của nhà đầu tư. “Phải có một tỷ trọng vốn nhất định mang từ bên ngoài vào, chứ không thể chỉ vay vốn trong nước”, Bộ trưởng Vinh nói.

 

Thông tin tổng hợp mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, khoảng 57% trong tổng vốn vay của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là từ nước ngoài. Chỉ hơn 40% là vay vốn trong nước, nhưng chủ yếu từ các ngân hàng thương mại cổ phần, rất ít vốn vay từ ngân hàng thương mại nhà nước. 

 

“Các bộ lọc sẽ được xây dựng và nếu qua được các bộ lọc này, thì vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ khác”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lạc quan bày tỏ.

 

Tất nhiên, để có thể nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, cùng với các phin lọc đặc biệt, Việt Nam cũng phải sửa đổi hệ thống luật pháp, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, cũng như quản lý, giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện dự án sau  cấp phép.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status