Tin tức

Đồng Nai chú trọng nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư

Với những lợi thế về giao thông, gần sân bay, cảng quốc tế, nguồn nhân lực dồi dào, thủ tục đầu tư thông thoáng.., tỉnh Đồng Nai sẽ là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Châu Âu. Tuy nhiên, tỉnh này cần giải được bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư doanh nghiệp Châu Âu vào Đồng Nai vừa qua, ông Pierre J.Magne – Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết sau hai dự án thành công tại Khu công nghiệp (KCN) Amata, hiện Nestlé Việt Nam đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai với việc triển khai nhà máy thứ ba với số vốn 270 triệu USD và công suất hàng chục ngàn tấn cà phê chế biến nhằm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây là nhà máy được đầu tư những công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

 

“Ngoài ra, chúng tôi cũng xúc tiến thành lập dự án mới, nhỏ hơn tại KCN Amata có tổng vốn đầu tư 16 triệu USD với mục tiêu gia công và đóng gói các sản phẩm của công ty, sản xuất các sản phẩm thức uống dinh dưỡng, sản phẩm ngũ cốc, cà phê, nước hoa quả, gia vị, mì ăn liền”, ông Pierre J.Magne  nói và cho biết thêm việc tuyển dụng 200 lao động để vận hành nhà máy tại Đồng Nai vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

 

Trao đổi với báo Đầu Tư, ông Võ Quang Huệ – Tổng Giám đốc Công ty Robert Bosch Việt Nam cho rằng các nhà đầu tư Châu Âu với tiềm năng lớn về vốn công nghệ, triển khai dự án nhanh hiệu quả, chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường…  rất phù hợp với chủ trương chuyển hướng thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường của Đồng Nai.

 

Tuy nhiên, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, ưu đãi đầu tư… thì nguồn nhân lực tay nghề cao, dồi dào là ưu tiên hàng đầu khi quyết định địa điểm đầu tư của doanh nghiệp châu Âu. Bosch đã chọn KCN Long Thành (Đồng Nai) đầu tư nhà máy và xây dựng Trung tâm công nghệ phần mềm tại Khu công nghệ cao TP. HCM sau khi cân nhắc 14 địa điểm tại châu Á là do công ty đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc tìm kiếm 500 công nhân và 90 kỹ sư chất lượng cao.

 

“Kinh nghiệm của Bosch là phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thu hút nguồn nhân lực và chuẩn bị kinh phí cho việc đào tạo mỗi nhân lực trong thời gian khoảng 72 ngày mới có thể đưa vào sản xuất”, ông Võ Quang Huệ nói.

 

Ông Alain Cany – Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho rằng để thu hút doanh nghiệp châu Âu, Đồng Nai cần có cam kết đảm bảo về nguồn nhân lực cho nhà đầu tư. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư cũng cần hợp tác với chính quyền trong việc cung cấp nhu cầu về số lượng, trình độ, mức lương … và đưa ra các chương trình đào tạo, tu nghiệp cho lao động theo yêu cầu của dự án.

 

Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về vấn đề nhân lực, ông Đinh Quốc Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để đón các nhà đầu tư châu Âu, ngoài việc quy hoạch các KCN, Khu liên hiệp Công nông nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông.., tỉnh đã  có chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng luôn xem trọng việc tiếp thu và nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, quản lý từ các đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status