Tin tức

Hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư

Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ mở hướng mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư.

Mới đây, lần đầu tiên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã sang Mỹ xúc tiến đầu tư với kỳ vọng tìm được đối tác chiến lược có thế mạnh về kỹ thuật liên quan đến thượng nguồn, chuyển giao công nghệ. Lần này, PVN đưa ra 26 dự án sẽ được thực hiện trong 5-10 năm tới, với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ USD, trong đó 30 tỷ USD từ đối tác nước ngoài. Bước quan trọng đầu tiên là PVN đã ký với Tập đoàn McKinsey & Company biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án kêu gọi đầu tư của PVN và nâng cao năng lực cạnh tranh cho PVN.

 

Tương tự, trong tháng 10 này, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) sẽ sang Nhật Bản để tìm kiếm các cổ đông chiến lược cho một số dự án. Những tên tuổi cổ đông mà VNsteel nhắm đến là Nippon Steel, JFE Steel, Tokyo Steel, Kobe Steel, Sumitomo Trading, Mitsui, Marubenni.

 

Cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn khi tới đây, Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Honolulu (Hawaii, Mỹ) trong 2 ngày 11 và 12/11. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút 1.500 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên. Đoàn Việt Nam gồm hơn 70 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

 

Rõ ràng, cơ hội xúc tiến đầu tư, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp với các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, theo GS.TS M.R.C Greenwood, Hiệu trưởng Trường Đại học Hawaii, thành viên Ủy ban Tổ chức Hội nghị, doanh nghiệp Việt Nam phải hướng đến những tập đoàn lớn, những nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, dịch vụ…

 

“Họ mới là những nhà đầu tư có thể làm chuyển dịch cơ cấu đầu tư, đưa công nghệ hiện đại vào Việt Nam. Kinh nghiệm tham dự tại các hội nghị đầu tư lớn, thu hút lượng lãnh đạo doanh nghiệp tham gia lớn như Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, thì doanh nghiệp Việt nên ‘đòi hỏi’ các thành viên APEC chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là các kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thương mại và đầu tư”, ông Greenwood nhấn mạnh.

 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ dự kiến tổ chức diễn đàn đối thoại để một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội thể hiện và trình bày những ý tưởng về sản xuất, kinh doanh và hợp tác đầu tư, nhằm đẩy mạnh giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm về nội dung và hậu cần cho các doanh nghiệp tham dự sự kiện này.

 

Tại Hội thảo trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Cộng đồng APEC là một tập hợp các nền kinh tế có  cùng ý tưởng, cam kết hợp tác và xoá bỏ các rào cản đối với trao đổi kinh tế vì lợi ích của tất cả mọi người. Các thành viên của VCCI khi cảm thấy mình có lợi thế so sánh trong một lĩnh vực nào đó phải cố  gắng  đưa  đề xuất của mình vào, nhằm tạo tiền đề cho các thành viên khác ủng hộ và cùng thực hiện”

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status