Tin tức

Hạn chế FDI vào dự án phi sản xuất

Việt Nam thay đổi cách ứng xử với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ là hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…

 

Mặc dù khuyến nghị rằng, khái niệm phi sản xuất, cũng như hàng loạt tiêu chí cụ thể để xác định rõ các giới hạn vẫn cần phải được làm rõ hơn để cả nhà đầu tư và các cơ quan thực thi có cùng cách hiểu và hành động, song ông Nguyễn Tú Anh, chuyên gia nghiên cứu về FDI thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bình luận, tín hiệu mà Thủ tướng Chính phủ phát đi rất rõ ràng, đó là các dự án FDI có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt sẽ không còn chỗ đứng nếu không thay đổi.

 

“Giới đầu tư nước ngoài khi nhìn vào những giải pháp được nhắc tới trong Chỉ thị số 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới), cụ thể như nâng cao hiệu quả chế độ phân cấp quản lý FDI, xây dựng cơ chế hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI hay ban hành các tiêu chí về suất đầu tư tối thiểu với các dự án sử dụng nhiều đất, tiêu chuẩn về khoa học và công nghệ, môi trường, điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản…, họ sẽ hiểu rằng, kỷ nguyên giá rẻ, dễ dãi của môi trường đầu tư Việt Nam đã qua”, ông Tú Anh bình luận.

 

Tất nhiên, tín hiệu dù mạnh mẽ, song sẽ không đủ để đổi chất dòng vốn FDI theo đúng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, đó là khuyến khích kinh tế có vốn FDI phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước…

 

Bởi, cũng phải nhắc lại Nghị quyết 13/2009/NQ-CP về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn FDI trong thời gian tới, trong đó, những ưu tiên FDI trong các lĩnh vực trên, cũng như các giải pháp mạnh về không cấp phép cho các dự án có công nghệ lạc hậu, tác động xấu tới môi trường, thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất… đã được đưa ra. Song, trong giai đoạn này, số lượng dự án FDI vào công nghệ cao vẫn vắng, trong khi hàng loạt dự án tỷ USD trong lĩnh vực bất động sản, cũng như các dự án đầu tư vào ngành thép được cấp phép với vô vàn những tranh luận trái chiều. Đó là chưa kể hàng loạt nhà sản xuất FDI đã chuyển hướng, trở thành các nhà nhập khẩu, khai thác thị trường nội địa của Việt Nam. Cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhận được tác động tràn tích cực từ đối tác nước ngoài ngày một giảm, do tỷ lệ doanh nghiệp liên doanh giảm đi, thế chân là số các dự án 100% vốn FDI.

 

Cần nói thêm là, những số liệu thu hút FDI trong báo cáo của các địa phương luôn là một điểm nhấn quan trọng, thậm chí là một trong những tiêu chí ghi điểm cho sự thành công trong điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng thừa nhận, với áp lực ngân sách như hiện nay, địa phương buộc phải có cách hành xử để tăng số lượng FDI thay vì chất lượng.

 

“Tôi tin rằng, giới đầu tư nước ngoài đang nghe ngóng để đoán định tình hình. Nếu như tính kiên định của Chỉ thị được thể hiện trong các giải pháp cụ thể, bắt đầu từ các công bố về số liệu FDI vào các lĩnh vực cụ thể, danh mục các doanh nghiệp FDI bị thổi còi do có dấu hiệu chuyển giá…, các nhà đầu tư hiện hữu và nhà đầu tư đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam hiểu rằng, luật chơi thực sự đã thay đổi và họ phải có chiến lược và cách thức đầu tư mới”, ông Tú Anh nhấn mạnh và cho rằng, đây chính là sự điều tiết của thị trường khi các chính sách thay đổi.

 

Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế cũng đưa ra cảnh báo về một số tác động tiêu cực có thể xảy ra khi các giải pháp chặt chẽ trong kiểm soát dòng vốn FDI được thực hiện, như số lượng nhà đầu tư giảm, số lao động khu vực thu hút giảm. Song, áp lực này là cần thiết để chính chúng ta phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các doanh nghiệp, cũng như chất lượng nền kinh tế Việt Nam để đủ sức đón nhận FDI cao cấp như mong muốn.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status