Tin tức

Ưu tiên số 1 là tái cơ cấu đầu tư nhà nước

Chấp nhận đánh đổi một số lợi ích để tái cơ cấu đầu tư nhà nước là mong muốn mà ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi nói về ưu tiên số 1 trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Thưa ông, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang được nhắc đến rất nhiều…

 

Nhưng trọng tâm cốt lõi phải được hiểu rõ ràng là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả đầu tư, nâng cao sức lao động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây chính là các giải pháp để đạt mục đích chính là tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh tế.

 

Theo tôi, khi bàn về vấn đề này, chúng ta không thể nói chung chung, phải làm rõ hàm ý, để định ra được hành động cụ thể, nhất là trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015. Có thể nói, đây là điểm nhấn khác biệt mà kế hoạch 5 năm này phải thể hiện được.

 

Nhưng như vậy vẫn quá rộng để xác định những việc cần làm ngay?

 

Ưu tiên số 1 là tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước. Trong đó, trước hết là giảm tỷ trọng đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội, thu hẹp phạm vi đầu tư nhà nước. Cụ thể, vốn đầu tư nhà nước sẽ không đổ vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được, không tham gia những ngành nghề thuần túy kinh doanh như nhà hàng, khách sạn…

 

Quan trọng hơn, là thay đổi cơ chế, thể chế phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư nhà nước. Có nghĩa là, phải khắc phục bằng được những tồn tại lâu nay của nguồn vốn này là phân tán, dàn trải, thiếu đồng bộ, đầu tư vào những dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, kém cần thiết…

 

Để làm được việc này, trước hết phải xem xét lại cơ chế phân cấp đầu tư. Với nguồn vốn đầu tư của Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm tròn trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư cái gì, ở đâu, làm như thế nào, còn làm thế nào thì là trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương.

 

Tất nhiên, sẽ phải có hệ thống tiêu chí để sử dụng nguồn vốn đầu tư này. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, vì nguồn lực có hạn, nên vốn đầu tư nhà nước chỉ tập trung cho những dự án hiệu quả nhất, đem lại lợi ích kinh tế trong thời gian ngắn nhất.

 

Với cách làm này, sẽ có thay đổi căn bản so với hiện nay về đầu tư công. Tình trạng đầu tư kiểu tỉnh nào cũng đầu tư cảng biển, sân bay, tỉnh nào cũng muốn có khu kinh tế… sẽ chấm dứt.

 

Có thể hiểu rằng, với cách quản lý đầu tư công này, lợi ích của các địa phương sẽ bị ảnh hưởng?

 

Nhưng sẽ buộc phải chấp nhận đánh đổi vì lợi ích quốc gia, vì nếu không, chúng ta không thể thực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước được. Mà khi đó, nếu mô hình tăng trưởng không được chuyển đổi, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể giới hạn tốc độ tăng trưởng 5,5-6%/năm trong 5 năm tới.

 

Thay đổi về cơ chế phân cấp trong quản lý đầu tư nhà nước sẽ làm thay đổi rất căn bản hoạt động đầu tư công. Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, sự thấu hiểu và chia sẻ của các địa phương, các bộ.

 

Khi hiệu quả nguồn vốn này được cải thiện, sẽ tạo dư địa, cơ hội cho các nguồn vốn khác theo nghĩa, vốn đầu tư nhà nước sẽ lựa chọn giải quyết dứt điểm những tắc nghẽn hạ tầng ở một khu vực nào đó nhằm khơi thông và nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn trong khu vực đó

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status