Cùng với giáo dục, y tế cũng là lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư, nhưng nhà đầu tư đang chần chừ lựa chọn bởi một số khó khăn liên quan tới vốn và mặt bằng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 8.000 cơ sở y tế ngoài công lập, với 34 bệnh viện tư đang hoạt động. Ngoài ra, còn nhiều dự án công đang xếp hàng chờ. Cụ thể, theo kết quả giám sát từ Hội đồng Nhân dân Thành phố, trong nửa đầu năm nay, Thành phố mới ghi vốn cho 19 dự án chuyển tiếp, 12 dự án mua thiết bị, trong khi 110 dự án khác vẫn bất động! Nguyên nhân được chỉ ra là tắc ở khâu giải phóng mặt bằng và sự rắc rối ở khâu thủ tục.
Trở lại câu chuyện của Khu Y tế kỹ thuật cao TP.HCM (do Liên doanh Hoa Lâm – Shangri-la đầu tư) tại cửa ngõ phía Tây Thành phố, nhà đầu tư này đã tiếp nhận dự án trọng điểm của UBND TP.HCM trong tình trạng “ngắc ngoải” sau gần 10 năm, kể từ khi được phê duyệt (năm 2001). Hiện một phần của dự án này (là Bệnh viện quốc tế Thành Đô, quy mô 250 giường) vẫn đang “chạy” khá tốt theo đúng cam kết của chủ đầu tư.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thị Lâm, Tổng giám đốc CTCP Hoa Lâm cho biết, đây là dự án nhóm A, thủ tục cấp phép được giải quyết khá nhanh, song nhà đầu tư phải mất hơn 1 năm để hoàn tất những thủ tục còn lại.
Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thì cho rằng, sở dĩ việc đầu tư vào các bệnh viện chậm là do quy trình về thủ tục lập dự án, đền bù, giải tỏa kéo dài. Hơn nữa, chi phí thẩm định, thiết kế dự án bệnh viện khá cao. Đó là chưa kể trường hợp giá đền bù đã được phê duyệt, song khi áp vào thực tế lại không thỏa thuận được với các đối tượng bị giải tỏa.
Cụ thể như trường hợp Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới, dự kiến xây dựng tại Khu 6A – Khu Đô thị mới Nam Sài Gòn. Đây là dự án đầu tư Thành phố thí điểm theo mô hình BT (xây dựng – chuyển giao) do Tổng công ty Đền bù giải tỏa (thuộc Tập đoàn Đức Khải) đầu tư với số vốn trên 1.000 tỷ đồng. Dự án này đã cơ bản hoàn tất các thủ tục, nhưng do vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai.
Cách đây không lâu, trong kiến nghị do Phòng Thương mại châu Aâu tại Việt Nam (EuroCham) gửi Lãnh đạo UBND TP.HCM có đề xuất, khi Thành phố kêu gọi nhà đầu tư xây bệnh viện cửa ngõ và các vùng ngoại thành thì nên có lộ trình rõ ràng về việc di dời các bệnh viện công trong khu vực nội thành, tránh trường hợp doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhưng người bệnh vẫn đổ vào “tuyến trong”.
Việc đầu tư các bệnh viện ngoại thành và các vùng lân cận được xem là giải pháp giảm tải cho nội thành, nhưng việc xây dựng dự án bệnh viện ở một số tỉnh lân cận cũng gặp không ít trở ngại. Chẳng hạn tại Đồng Nai, dù toàn tỉnh có 2.500 cơ sở y tế tư nhân, nhưng chưa có bệnh viện nào hình thành. Theo Sở Y tế Đồng Nai, bên cạnh 3 dự án bệnh viện chuyên ngành khác đang thực hiện (gồm Bệnh viện Nhi – Phụ sản Quốc tế, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Bệnh viện Răng hàm mặt Việt Anh Đức), tỉnh hiện có 20 dự án bệnh viện tư chưa triển khai.
Theo ông Huỳnh Minh Hoàn, quyền Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, mô hình xã hội hóa y tế chậm là do việc xây dựng bệnh viện phải đáp ứng quy định về thẩm tra dự án, năng lực cán bộ. Tuy nhiên, nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến các dự án bất động trong thời gian qua là do việc điều chỉnh thiết kế và hơn hết là do chủ đầu tư khó huy động vốn.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, ông Huỳnh Minh Hoàn kiến nghị, Bộ Y tế cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư về mặt thủ tục, các cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư theo quy định hiện hành