Tin tức

Quan tâm của Nhật đối với Việt Nam sẽ được nâng hạng

Trước dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản sang Việt Nam làm ăn hơn sau thảm họa động đất, sóng thần, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong tương lai, quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Theo Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, trong tổng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ ba trong trung hạn và thứ tư về dài hạn như một quốc gia tiềm năng về ngoại thương. Đánh giá của ông về vấn đề này?

 

Đây chỉ là đánh giá bước đầu. Tôi tin rằng, cùng với nỗ lực và mối quan hệ truyền thống hai nước, cũng như xu thế hiện nay, trong tương lai, quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam sẽ được nâng hạng.

 

Trong một so sánh khác về sản xuất, doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là số 1, sau đó mới đến Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Vì vậy, Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hàng đầu của Nhật Bản cả ở hiện tại và tương lai.

 

Thế mạnh của Nhật Bản là công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao. Trong tương lai, đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ xoay quanh trục này, bên cạnh nhiều ngành khác nữa như cơ sở hạ tầng.

 

Để đáp ứng được đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam cần tăng cường, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, với những chính sách cụ thể hơn và phải khắc phục các hạn chế mà nhà đầu tư đang gặp phải.  

 

Các nhà đầu tư Nhật Bản đang có chiến lược Trung Quốc+1, trong đó Việt Nam được lựa chọn và thậm chí là Việt Nam+1. Quan điểm của ông ra sao?

 

Quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ và giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang là xung lực tốt cho phát triển kinh tế của hai bên. Vì vậy, nếu chúng ta làm tốt về chính sách đầu tư, thì khi nhà đầu tư Nhật Bản lấy Việt Nam làm trọng tâm đầu tư và sản xuất để lan tỏa ra các nước xung quanh, nhất là sau năm 2015, khi các rào cản thuế quan của AFTA được dỡ bỏ, việc đầu tư tại Việt Nam, sau đó bán hàng sang các nước ASEAN là rất thuận lợi.  

 

Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

 

Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm đầu tư vào các dự án bất động sản. Ngoài ra, tình hình thế giới và kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư.

 

Tuy nhiên, con số giải ngân đạt 6,3 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay (gần bằng con số giải ngân vào thời điểm này năm ngoái) đã chứng tỏ các nhà đầu tư đã triển khai nghiêm túc và tin tưởng vào thị trường Việt Nam.

 

Đây có phải là thời điểm để Việt Nam điều chỉnh chính sách đầu tư?

 

Hiện là thời điểm rất tốt cho tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhìn lại mình để có những đối sách phù hợp.

 

Các vấn đề mà nhà đầu tư nêu như lạm phát, thiếu điện, nhân công, ô nhiễm môi trường và chi phí giải phóng mặt bằng cao nên sớm được giải quyết để nhà đầu tư yên tâm. 

 

Dự báo của ông về lượng vốn đầu tư nước ngoài năm 2011 và năm 2012 tại Việt Nam?

 

Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2011 và 2012 dự kiến đạt lần lượt 18 tỷ USD và 15 tỷ USD, trong đó ước giải ngân 9 tỷ USD (năm 2011) và 8 tỷ USD (năm 2012).

 

Tôi tin rằng, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại trong tương lai và tiếp tục đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status